"Dòng chảy" kỳ 1: Đối mặt với mối đe dọa từ rối loạn tâm thần

Phương Nhung| 16/05/2022 12:47

Các nghiên cứu về dòng chảy đã chứng minh nhiều lần rằng, hơn bất cứ điều gì khác, chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào hai yếu tố: Cách chúng ta trải nghiệm công việc và mối quan hệ với người khác.

Một trong những thế lực chính ảnh hưởng xấu đến ý thức là sự rối loạn tâm thần. Trạng thái này có rất nhiều cái tên, tùy thuộc vào cách chúng ta trải nghiệm nó, như: nỗi đau, nỗi sợ hãi, sự phẫn nộ, sự lo âu hay lòng đố kỵ.

Tất cả sự rối loạn đa dạng này buộc sự chú ý đi lệch hướng về phía những mục tiêu không mong muốn, khiến chúng ta không còn tự do sử dụng sự chú ý theo đúng ưu tiên của chúng ta nữa.

Dòng chảy kỳ 1: Đối mặt với mối đe dọa từ rối loạn tâm thần - 1

Bìa cuốn sách "Dòng chảy" (Ảnh: First News - Trí Việt).

Chỉ vì chiếc bánh xe bị xẹp

Ý thức có thể trở nên rối loạn theo nhiều cách. Chẳng hạn, tại một nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn, Julio Martinez đang rơi vào trạng thái lơ đãng trong công việc. Khi chiếc máy chiếu phim đi ngang qua trước mặt anh trên dây chuyền lắp ráp, anh đã bị phân tâm và khó có thể bắt kịp với nhịp chuyển động cần thiết để hàn những mối nối, vốn là trách nhiệm của anh.

Vấn đề của Julio chỉ là cái lốp xe bị xẹp. Vì là đến cuối tuần sau Julio mới được nhận lương và anh chắc rằng từ giờ đến đó anh sẽ không có đủ tiền để vá lốp xe, nói chi đến mua cái mới. Tín dụng là thứ mà anh vẫn chưa học được cách sử dụng. Nhà máy nằm ở ngoại ô, cách nơi anh sống khoảng 20 dặm và anh thì phải đến được đó trước tám giờ sáng.

Cách giải quyết duy nhất Julio có thể nghĩ ra là bơm bánh xe trên đường đi làm và trên đường về nhà. Anh đã làm như vậy trong suốt ba ngày và hy vọng rằng mọi việc sẽ ổn cho đến kỳ lương tiếp theo. Nhưng hôm nay, anh đã lái xe rất khổ sở vì bánh xe quá xẹp. Cả ngày dài, anh không ngừng lo lắng: "Liệu tối nay mình có lái xe về nhà được không? Sáng mai mình sẽ đi làm bằng cách nào?". Những câu hỏi này cứ lẩn quẩn trong tâm trí, làm gián đoạn sự tập trung vào công việc và kéo tâm trạng của anh đi xuống.

Đối với Julio, giữ được việc làm là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Cái lốp xe bị xẹp đang đe dọa công việc của anh và do đó, nó ngốn rất nhiều năng lượng tinh thần của anh.

Bất cứ khi nào thông tin phá vỡ ý thức bằng cách đe dọa những mục tiêu của nó, chúng ta rơi vào tình trạng rối loạn bên trong, hay còn gọi là entropy tâm thần (entropy là từ chỉ tính vô trật tự, hỗn loạn, mất cấu trúc của chủ thể đi kèm với thuật ngữ này), một sự hủy hoại cấu trúc của cái tôi, làm suy yếu đi tính hiệu quả của nó. Những trải nghiệm dạng này kéo dài có thể làm cái tôi yếu đi đến mức nó không còn có thể tập trung sự chú ý và đuổi theo những mục tiêu được nữa.

Và cuộc ly hôn của cha mẹ

Vấn đề của Julio tương đối nhẹ nhàng và có tính nhất thời. Một ví dụ về entropy tâm thần mang tính thường xuyên hơn là trường hợp của Jim Harris, một học sinh lớp 11 tài năng xuất sắc.

Cha mẹ của Jim đã ly thân một năm trước và giờ thì họ đang ly hôn. Trong suốt những ngày phải đến trường trong tuần, Jim sống với mẹ. Vào những chiều thứ Sáu, cậu gói ghém đồ đạc để đến sống trong một căn hộ mới của cha ở ngoại ô.

Một trong những vấn đề của sự dàn xếp này chính là cậu không bao giờ có thể được ở cùng bạn bè: Những ngày trong tuần họ đều bận rộn và vào cuối tuần thì Jim lại bị kẹt ở vùng ngoại ô mà cậu chẳng quen ai.

Cậu giết thời gian rảnh rỗi của mình trên điện thoại, cố gắng liên lạc với bạn bè. Hoặc cậu nghe những cuốn băng mà cậu cảm thấy nó cộng hưởng được nỗi cô đơn đang gặm nhấm bên trong mình.

Nhưng điều tồi tệ nhất mà Jim cảm thấy chính là cha mẹ cậu đang đấu đá nhau kịch liệt để có được tình cảm của cậu. Họ liên tục đưa ra những lời lẽ ác ý về nhau, cố gắng khiến Jim cảm thấy có lỗi khi cậu thể hiện bất kỳ tình yêu hay sự quan tâm với một trong hai người trước mặt người còn lại.

"Cứu tôi!" là dòng chữ mà cậu viết nguệch ngoạc trong nhật ký vài ngày trước. May mắn là buổi chiều hôm đó chị gái của Jim để ý thấy lọ thuốc aspirin trống không và rồi Jim được đưa vào bệnh viện, vài ngày sau thì cậu đã có thể đứng lên được.

Cái lốp xe bị xẹp đã ném Julio vào cơn hoảng loạn nhất thời và vụ ly hôn suýt giết chết Jim, chúng không trực tiếp như một tác động vật lý có thể đoán trước được. Mà nó từ bên ngoài xuất hiện trong ý thức đơn thuần chỉ như thông tin, không có giá trị tích cực hay tiêu cực nào kèm theo nó. Chính cái tôi diễn giải thông tin thô đó theo ngữ cảnh của những mối quan tâm và quyết định xem liệu thông tin đó có nguy hại hay không.

Ví dụ như, nếu Julio có nhiều tiền hơn hay có tiền gửi trong ngân hàng, vấn đề của anh có lẽ đã hoàn toàn vô hại. Nếu trước đó, anh tập trung hơn vào việc kết thêm bạn bè cùng chỗ làm, cái lốp xe bị xẹp đã không tạo ra sự hoảng loạn, bởi vì anh hoàn toàn có thể hỏi một trong số những đồng nghiệp cho anh quá giang vài ngày. Và nếu anh có sự tự tin mạnh mẽ hơn, thì trở ngại tạm thời này sẽ không ảnh hưởng đến anh nhiều đến vậy, bởi vì anh sẽ tin khả năng của mình cuối cùng có thể vượt qua được điều đó.

Cũng tương tự như vậy, nếu Jim độc lập hơn, cuộc ly hôn sẽ không ảnh hưởng đến cậu sâu sắc đến thế. Nhưng ở độ tuổi của cậu, những mục tiêu của cậu vẫn phải bị ràng buộc chặt chẽ với những mục tiêu của cha và mẹ, thế nên sự rạn nứt giữa họ cũng phá vỡ ý thức về bản thân của cậu.

Giá như cậu có những người bạn thân thiết hơn, hay có một danh sách dài hơn các mục tiêu đã đạt được, thì cái tôi của cậu sẽ có sức mạnh duy trì tính toàn vẹn của nó. Cậu may mắn rằng, sau sự suy sụp này, cha mẹ cậu đã nhận ra tình thế nguy hiểm đó và đã tìm kiếm sự giúp đỡ cho chính bản thân và con trai họ, thiết lập lại một mối quan hệ đủ vững chắc với Jim, cho phép cậu tiếp tục xây dựng một cái tôi vững vàng.

Mỗi một mẩu thông tin chúng ta xử lý được đánh giá bởi ý nghĩa của nó đối với cái tôi. Nó đe dọa những mục tiêu của chúng ta, nó hỗ trợ chúng hay nó không ảnh hưởng gì cả? Tin tức về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán có thể khiến người làm ngân hàng lo âu nhưng nó có thể củng cố ý thức về cái tôi của một người hoạt động trong lĩnh vực khác.

Một mẩu thông tin mới sẽ tạo ra sự hỗn loạn trong ý thức, bằng cách khiến chúng ta phải thức tỉnh để đối mặt với mối đe dọa, hoặc nó sẽ củng cố những mục tiêu của chúng ta, từ đó giải phóng năng lượng tinh thần.

Theo First News

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/van-hoa/dong-chay-ky-1-doi-mat-voi-moi-de-doa-tu-roi-loan-tam-than-20220516122150830.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/van-hoa/dong-chay-ky-1-doi-mat-voi-moi-de-doa-tu-roi-loan-tam-than-20220516122150830.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Dòng chảy" kỳ 1: Đối mặt với mối đe dọa từ rối loạn tâm thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO