Đa số các bệnh nhân là những người không hề khá giả gì về kinh tế, phải trông chờ từng đồng thanh toán viện phí của bảo hiểm y tế để tránh gánh nặng chi phí y tế. Thế nhưng, những loại thuốc được kê trong đơn này đều nằm ngoài danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, một chuyên gia trong ngành sản khoa, nguyên Trưởng khoa Đẻ của một Bệnh viện Phụ Sản lớn cho rằng: “Ở bệnh viện của tôi, các bác sĩ chỉ được phép kê đơn thuốc khi thăm khám cho các sản phụ trước khi ra viện. Bác sĩ không khám cho bệnh nhân mà đã kê đơn đã là sai. Mà kê đơn thuốc ngay từ đầu vào, ngay khi các sản phụ nhập viện, chưa sinh đẻ như vậy là quá sai, cả về nguyên tắc và về y đức, cần phải phê phán".
"Đây rõ ràng có dấu hiệu của lợi ích nhóm, dấu hiệu của việc ăn chia hoa hồng của các hãng thuốc”- vị chuyên gia này khẳng định.
Cũng theo chuyên gia này, sản phẩm lợi sữa, thuốc thụt hậu môn... là những thứ có bệnh nhân cần, có bệnh nhân không cần. "Việc kê đơn thuốc tùy tiện như vậy là nhân viên y tế quá tắc trách, rất sai"- vị bác sĩ này nói.
Đồng quan điểm này, một bác sĩ sản khoa công tác tại một Bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cho rằng: "Rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh, tỉ lệ dị ứng với kháng sinh cũng cao. Không có bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào.
Việc kê kháng sinh ngay từ đầu vào, không thăm khám, không điều tra tiền sử của bệnh nhân như Khoa Phụ Sản- Bệnh viện đa khoa Hà Đông đang làm, có nguy cơ cao khiến cho bệnh nhân bị dị ứng thuốc. Điều này hết sức nguy hiểm cho bệnh nhân và sai về mặt chuyên môn".
Trước đó, theo điều tra của nhóm phóng viên Lao Động, tại khoa Phụ sản- Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) diễn ra tình trạng kê đơn thuốc đầu vào ngay khi các sản phụ nhập viện tiến hành làm hồ sơ sinh.
Trong khi sản phụ đang đo huyết áp, làm hồ sơ sinh ở trong phòng, các nhân viên y tế đã đưa ra một tờ phiếu đăng ký khám, yêu cầu người nhà đi đóng tiền tạm ứng nhập viện, kèm đơn thuốc bảo người nhà đi mua ngay tại nhà thuốc bệnh viện.
Ngoài 2 lọ thuốc thụt hậu môn có thể được sử dụng trong quá trình sinh nở (rất nhiều bệnh nhân không cần sử dụng đến), chiếc vòng tay "mẹ và bé" cần dùng trong lúc sinh, toàn bộ các sản phẩm còn lại trong đơn thuốc đều là các loại thuốc sử dụng khi ra viện. Nhiều bệnh nhân cho biết họ cũng không sử dụng đến các loại thuốc này khi ra viện, rất lãng phí.
Tất cả bệnh nhân đều được kê đơn giống nhau là 1 loại kháng sinh, 1 loại sắt, 1 loại thuốc thụt hậu môn, 1 lọ thuốc sát trùng, kèm thực phẩm chức năng được kê trong 1 tờ đơn tư vấn. Trị giá mỗi đơn thuốc này là hơn 1 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn đối rất nhiều bệnh nhân nghèo, với những gia đình không khá giả về kinh tế.
Theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú do Bộ Y tế ban hành, 3 nguyên tắc đầu tiên trong kê đơn thuốc: Một là chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh; Hai là phải kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh; Ba là việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Soi chiếu vào các đơn thuốc hầu hết tất cả các sản phụ đến sinh con tại khoa Phụ sản - BVĐK Hà Đông như Lao Động phản ánh, có thể thấy nhân viên y tế tại đây đã kê đơn thuốc một cách hết sức tùy tiện. Hành vi này đã vi phạm 3 nguyên tắc đầu tiên, cơ bản nhất trong quy định về kê đơn thuốc.
Việc kê đơn thuốc ngay khi bệnh nhân nhập viện đã và đang diễn ra suốt nhiều năm qua tại Khoa Sản- Bệnh viện đa khoa Hà Đông không thuộc bất kỳ hình thức kê đơn thuốc nào theo quy định của Bộ Y tế.