Rất nhiều công nhân, người lao động (NLĐ) ở các tỉnh thành phía Nam đều tỏ ra ngậm ngùi khi được hỏi có về quê đón Tết không. Dịch bệnh, kinh tế khó khăn trong khi việc làm dịp Tết đang chờ khiến những lao động tha phương đành lỡ hẹn cùng người thân những ngày Tết đoàn viên.

Đón Tết xa quê ảnh 1
Doanh nghiệp có chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động đón tết xa nhà

Vất vả mưu sinh

Trong dãy phòng trọ ở 187 An Dương Vương (P. An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM), gia đình chị Lê Thị Thủy (56 tuổi, quê Vĩnh Long) cặm cụi lắp từng con-tắc-kê để kiếm tiền. “Lắp được 1.000 con, tôi nhận tiền công 12.000 đồng. Có khi ngồi còng lưng cả ngày cũng chưa kiếm được 20.000 đồng”, chị Thủy trải lòng.

Theo lời chị Thủy, hai vợ chồng chị đã lên Sài Gòn mưu sinh nhiều năm nay, chồng làm phụ hồ nay đây mai đó, trong khi con trai lớn vừa tròn 18 tuổi nhưng đã làm thuê được 2 năm, 2 đứa nhỏ vẫn đang đi học. Hỏi chị, năm nay có về quê? Rớm nước mắt nhìn xa xăm, chị Thủy lắc đầu, nói: “Năm nào đến Tết, tôi cũng về thăm nhà, thăm hàng xóm, thắp nén hương cho ông bà; nhưng năm nay tiền đâu mà về. Trận dịch vừa qua hậu quả nặng nề quá, mọi thứ đều kiệt quệ, giờ lo ăn từng bữa, tiền nhà trọ còn không đủ nên chẳng dám nghĩ đến chuyện về quê đón Tết. Thôi đành hẹn sang năm!”.

Anh Nguyễn Bảo Quốc (công nhân Công ty TNHH Sản xuất Hoàng Gia, Bình Dương) cho biết, 2 năm nay do dịch bệnh phức tạp nên vợ chồng anh đều không về quê. “Từ khi có dịch, vợ chồng ngại về nhà hơn. Mỗi nơi áp dụng cách phòng, chống dịch khác nhau nên gây khó khăn cho người dân khi trở về. Quê tôi ở Hà Tĩnh nếu về Tết sẽ bị cách ly 7 ngày. Nếu tôi về quê thì phải xin nghỉ ít nhất 2 tuần mới có thời gian đi chào hỏi người thân, bạn bè. Thế nên, ở lại là quyết định tốt nhất bây giờ” - anh Quốc chia sẻ.

Quyết định chọn ở lại Đồng Nai ăn Tết, anh Nguyễn Văn Tuyên (quê Hà Tĩnh, làm việc tại Công ty Teakwang VN, Khu công nghiệp Biên Hòa 2) kể rằng, Tết năm ngoái, anh đã mua vé tàu cho cả gia đình về quê nhưng dịch bệnh bùng phát, anh đã trả vé và ở lại. “Năm nay, dịch bệnh còn nặng nề hơn, tôi cũng quyết định không về do đi lại không thuận tiện nên tôi tiếp tục đón Tết xa nhà, xa quê để đảm bảo sức khỏe cho mình và mọi người. Hơn nữa, năm nay công ty cũng khuyến khích người lao động ở lại”, anh Tuyên nói.

Đã 3 năm đón Tết xa quê, chị Trần Thị Hằng (làm việc tại Công ty Pouchen VN, TP Biên Hòa) cho biết, năm nay chị và một số đồng hương vẫn tiếp tục ở lại. “Việc dịch bệnh phức tạp, bên cạnh đó công ty đang thiếu lao động nên mình quyết định ở lại. Không về quê sum họp với gia đình cũng buồn, nhưng tình hình dịch bệnh như vậy thì đi lại cũng không ổn”.

Ấm lòng người ở lại

Nhằm khuyến khích công nhân ở lại ăn Tết, Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã điều chỉnh chính sách chăm lo cho NLĐ. Nếu như mọi năm, công ty tổ chức xe đưa rước công nhân về quê ăn Tết thì năm nay sẽ tạm ngưng, thay vào đó, ban giám đốc sẽ hỗ trợ thêm NLĐ một khoản bên cạnh tiền thưởng Tết. Mức hỗ trợ này ngang với mức giá vé tàu xe về quê đón Tết. Ngoài ra, công ty sẽ tổ chức tiệc tất niên tại khu lưu trú với các hoạt động vui Tết cho NLĐ ở lại ăn Tết. Đại diện DN cũng cho biết, sẽ tặng hơn 100 phần quà (500.000 đồng/phần) cho các trường hợp khó khăn ở lại thành phố ăn Tết.

Ông Trần Văn Hưng, Giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Hưng (Bình Dương) cho biết, phía công ty đã lên kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, rất nhiều công nhân xin được làm thêm vào ngày Tết để có thu nhập khi quyết định không về quê. “Chúng tôi đang phân vân, liệu có nên tổ chức sản xuất ngay trong dịp Tết hay không, bởi có gần 200 công nhân của công ty đều có ý định đăng ký làm trong dịp Tết”, ông Hưng chia sẻ.

Dù tình hình dịch bệnh và kinh doanh còn gặp một số khó khăn nhưng Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) Đặng Tuấn Tú cho biết, công đoàn sẽ chuẩn bị gần 40.000 phần quà Tết để tặng NLĐ. Đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, công đoàn sẽ đến phòng trọ để động viên, hỗ trợ NLĐ. Về lương thưởng, công ty thống nhất giữ mức lương như mọi năm để tri ân đội ngũ lao động đã cùng DN vượt khó. Riêng NLĐ ở lại đón Tết xa quê sẽ được chăm lo chu đáo.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan, tính đến nay, có 12 DN đăng ký làm việc trong Tết với tổng số lao động 675 người. Trong đó, có DN đăng ký để 300 công nhân ở lại làm trong dịp Tết. Cũng theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, các DN trả đủ 100% lương tháng 12 và cho ứng lương tháng 1/2022. Hầu hết DN ở Bình Dương đều có thưởng Tết, thấp nhất 1 tháng lương cơ bản. Theo dự kiến, số công nhân lao động không về quê, ở lại Bình Dương đón Tết lên đến 500.000 người, trong đó có 23.950 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chi 700 tỷ chăm lo cho người lao động

Tại buổi thông tin về các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán cho NLĐ trên địa bàn TPHCM chiều 4/1, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho hay, sẽ tổ chức hơn 10 chương trình, hoạt động chăm lo Tết cho NLĐ với dự toán kinh phí gần 700 tỷ đồng. Ngoài ra, còn chương trình họp mặt, tặng quà cho 1.000 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người; chăm lo 600 NLĐ khó khăn trong các ngành, lĩnh vực có môi trường làm việc khó khăn như y tế, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vùng sâu, vùng xa; chăm lo cho NLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nữ đoàn viên mang thai, mới sinh con bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, trao sổ tiết kiệm cho trẻ em mồ côi (là con của đoàn viên tử vong do COVID)…Huy Thịnh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đón Tết xa quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO