Anh Rahman Razali lẩm nhẩm đọc những lời cầu nguyện dành cho người quá cố ở ngưỡng cửa căn hộ mà anh sắp bước vào dọn dẹp. Anh mặc bộ đồ bảo hộ kín toàn thân, bước qua làn khói hương nghi ngút mà người cho thuê phòng trọ đã thắp sẵn, anh Rahman bắt đầu công việc của mình.
Anh Rahman Razali (39 tuổi) đã thành lập nên công ty dọn dẹp vệ sinh DDQ từ nhiều năm trước, công việc của anh rất đa dạng, trong đó có cả việc dọn dẹp căn hộ của người qua đời một mình. Công việc này có những đặc thù, bởi thường những trường hợp này chỉ được phát hiện ra sau khi đã qua đời vài ngày, thậm chí vài tuần, vài tháng...
Căn hộ mà anh Rahman tới dọn dẹp lần này là căn hộ nhỏ do một người đàn ông sống một mình thuê trọ, việc người đàn ông qua đời chỉ được phát hiện ra khi hàng xóm thấy có "mùi lạ". Khi anh Rahman tới nơi, máu khô và dịch tiết từ cơ thể người quá cố đã nhuộm khắp sàn phòng một màu nâu sẫm.
Căn hộ bừa bộn, ngổn ngang, có nhiều dấu vết để lại cho thấy người đàn ông đã trải qua cái chết trong sự đơn độc, đau đớn, khổ sở...
Anh Rahman và người đồng nghiệp của mình - một thanh niên 18 tuổi có tên Qasrina cùng nhau xịt khử khuẩn lên khắp các bề mặt và vật dụng trong căn hộ. Những vật dụng để lại của người quá cố bắt đầu được bỏ vào các túi đựng rác bởi không có ai muốn nhận những món đồ này. Đa số đều là những món đồ không có nhiều giá trị, người đàn ông quá cố lúc sinh thời làm nghề sửa điều hòa.
Anh Rahman cần hơn một giờ để dọn dẹp hết số đồ lặt vặt có trong căn hộ. Anh Rahman tìm thấy chiếc ví tiền của người quá cố, nhưng người chủ nhà trọ từ chối nhận, chiếc ví sau đó cũng bị bỏ vào trong những túi rác đựng đồ lặt vặt.
Người đàn ông quá cố trong câu chuyện này đã qua đời được nhiều ngày trước khi những người sống cạnh căn hộ ngửi thấy mùi khó chịu bốc ra, họ gọi điện báo cảnh sát, cảnh sát tới kiểm tra và báo lại cho chủ nhân của căn hộ - một người cho thuê trọ. Sau đó, mọi việc bắt đầu được thu xếp tiến hành, trong đó có việc người chủ trọ gọi anh Rahman tới để dọn dẹp.
Trong trải nghiệm công việc của mình, anh Rahman đã từng gặp trường hợp người quá cố đã qua đời hai tháng mới được phát hiện ra. Mọi người đều cho rằng công việc của anh Rahman quá kinh khủng, một công việc không ai muốn làm, nhưng bản thân anh lại thấy mình đang giúp đỡ cho những hoàn cảnh không may xét theo một nghĩa nào đó:
"Nhiều người qua đời một mình thực ra vẫn có người thân, khi sự việc được phát hiện ra, nhiều khi người thân của họ trở nên rối bời và còn phải tất tả lo các công việc ma chay, an táng một cách gấp rút. Việc phải dọn dẹp căn hộ sẽ trở nên rất khó khăn ở thời điểm đó, tôi nghĩ công việc của mình đã giúp những gia đình đang trong lúc bối rối có thể bớt đi một chút mệt mỏi, khổ tâm".
Đôi khi anh Rahman cũng cảm thấy khó kiểm soát cảm xúc trong lúc làm việc, nhưng sau cùng, khi hoàn tất công việc, anh luôn cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn: "Mỗi chúng ta đều nên trân trọng những mối quan hệ mình có với người thân, bạn bè và gia đình, cuộc sống này thực ra rất mong manh, nhiều bất trắc và cũng nhiều nỗi buồn".
Anh Rahman đã bắt đầu làm công việc này kể từ năm 2015, trung bình mỗi tháng anh nhận được 3 - 4 lời mời tới dọn dẹp những ngôi nhà dạng này. Theo thống kê của nhà chức trách Singapore hồi năm 2020, có khoảng 10% người già Singapore trên 60 tuổi đang sống một mình, tức khoảng 88.000 người già.
Thực tế, ở tại Singapore, một số tòa nhà có những căn hộ nhỏ dành riêng cho người độc thân đã lắp đặt hệ thống báo khẩn cấp, để trong trường hợp cấp bách, người sống độc thân có thể báo cho ban quản lý tòa nhà biết và nhận được sự hỗ trợ, nhưng nhiều khi, dù hệ thống đã được lắp đặt, vì lý do nào đó, nó vẫn không được người sống trong căn hộ kích hoạt vào lúc khẩn cấp.
Bên cạnh đó, nhà chức trách tại Singapore cũng đã lập ra nhiều tổ chức và đường dây nóng để hỗ trợ người già sống một mình, bao gồm việc quan tâm, chia sẻ, giúp chăm sóc sức khỏe thể chất - tinh thần, nhưng những câu chuyện ám ảnh và buồn bã về những cái chết trong đơn độc của người già, người sống độc thân vẫn tiếp tục xảy ra, vì những lý do riêng khó nói hết...
Nghề nghiệp buồn nhất thế gian tại Nhật Bản
Công việc dọn dẹp nhà của người vừa qua đời tại Nhật Bản đã được báo chí quốc tế nhắc tới từ cách đây nhiều năm, bởi một nét đặc thù là tại Nhật Bản có nhiều người già, nhiều người sống độc thân, nên công việc này đã sớm xuất hiện để đáp ứng một nhu cầu có thật tại đất nước này.
Khi công việc này mới bắt đầu được báo chí quốc tế biết đến và đề cập, người ta thường gọi đây là "nghề nghiệp buồn nhất thế gian".
Thực tế chung đối với những cụ già sống một mình, đó là họ có thể đã qua đời cả tuần, cả tháng mà không ai hay biết. Những bức ảnh xuất hiện dưới đây được chụp tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Trước khi biệt đội này đến dọn dẹp, cảnh sát đã đến trước để đưa thi hài cụ già đi an táng.
Ở Nhật, người ta không quá để ý tới cuộc sống của hàng xóm. Ngoài ra, những chi phí như tiền nhà, tiền điện, tiền nước… có thể được trả tự động hàng tháng thông qua tài khoản ngân hàng, con cái của cụ già có thể đi làm ở xa và không thể về thăm cha mẹ thường xuyên, họ hàng thì lâu mới tới chơi…
Lý do thường thấy nhất để người ta phát hiện một cụ già đã qua đời, đó là khi có mùi lạ xuất hiện. Ở Nhật Bản, vấn đề dân số già từ lâu đã được biết tới. Tại đây, ngày càng có nhiều người già sống cô đơn một mình. Trong số 127 triệu người dân Nhật Bản, có tới 1/4 đã ở độ tuổi trên 65.
Vì cuộc sống hiện đại nhiều áp lực nên những mối quan hệ gia đình cũng trở nên lỏng lẻo, người già ở Nhật thường cố gắng tự lo liệu cuộc sống của mình để không làm phiền tới cuộc sống của con cháu. Đó là lý do tại sao nhiều người già nơi đây sống một mình.
Anh Hirotsugu Masuda - một người chuyên làm công việc dọn dẹp nhà của người vừa qua đời một mình - cho biết một tuần anh và ê-kíp cộng sự thường được gọi tới dọn dẹp 3-4 ngôi nhà có người vừa qua đời.
Việc dọn dẹp toàn bộ một căn hộ thường mất khoảng 6 tiếng, trong suốt quá trình làm việc, họ phải giữ trật tự tối đa để tránh làm những người hàng xóm cảm thấy lo lắng, bất an. Sau khi mọi công việc đã hoàn tất, hương hoa sẽ được đặt ở vị trí người quá cố đã trút hơi thở cuối cùng.
Tại Nhật, để một nhóm chuyên nghiệp đến dọn dẹp nhà cửa như thế này, người ta phải trả số tiền tương đương từ 15 - 65 triệu đồng, tùy thuộc vào kích cỡ căn hộ.
Tại Nhật hiện giờ có khoảng 5 triệu người già sống một mình, tính tới thời điểm năm 2015, đã có khoảng 40.000 người già tại Nhật qua đời trong cô đơn. Những nhà phân tích xã hội tại Nhật dự báo rằng trong vòng một thập kỷ nữa, con số này sẽ còn gia tăng với tốc độ nhanh hơn.