Đơn hàng ‘đi chợ hộ’ đang dồn ứ ở các siêu thị

TRUNG NGUYỄN (Tổng hợp)| 27/08/2021 21:58

Hàng trăm vấn đề phát sinh khi ‘đặt mua hộ’ khiến nhiều người dân và cả siêu thị bối rối, lúng túng.

Siêu thị nhận khoảng 40.000 đơn nhưng chỉ giao được 2.000 đơn.

Theo như phản ánh của cá siêu thị việc cấp giấy đi đường hạn chế đang khiến cho khâu giao hàng không thể đáp ứng được nhanh các đơn hàng. Thêm vào đó lộ trình có quá nhiều chốt kiểm soát khiến cho tiến độ giao hàng không được đảm bảo và đơn hàng dồn mỗi lúc một nhiều.

Bộ đội 'đi chợ hộ' người dân. Ảnh: MH

Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết hiện nay nhiều cửa hàng trong hệ thống đang bị quá tải đơn hàng. Thống kê trong ngày 25/8, hệ thống này tiếp nhận khoảng 40.000 đơn nhưng chỉ giao được 2.000 đơn. Những ngày tiếp theo hệ thống vừa phải giao đơn cũ rồi nhận thêm đơn mới vì nhu cầu ngày một nhiều nhưng nhân sự lại không thể tăng lên.

Cũng trong tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce (đại diện Vinmart), cho biết đến sáng ngày 26/8, khoảng 30% nhân viên của siêu thị đã được cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, với số lượng hàng ngàn đơn hàng online đang tồn đọng và lượng đơn đặt mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng nhân viên được cấp giấy còn quá nhỏ để đáp ứng.

Mặt khác, hiện nay, mỗi phường có hàng trăm đến hàng ngàn hộ dân. Nếu mỗi khách hàng có yêu cầu riêng về số lượng mặt hàng, chủng loại, trọng lượng khác nhau sẽ rất khó cho phường và tổ đi chợ hộ khi sắp xếp, phân chia và giao hàng cho chính xác, nhanh chóng. Trong khi đó, mỗi siêu thị có hàng chục ngàn mặt hàng nên không thể nào đưa hết vào các combo mà sẽ ưu tiên nhu cầu thiết yếu nhất của người dân trong giai đoạn này, đặc biệt là thực phẩm.

Thêm vào đó, nhiều siêu thị cho biết đang gặp một số khó khăn khi làm việc với địa phương. Hiện nay, phường là cầu nối trung gian giữa siêu thị và người dân nhưng nhiều nơi nhân lực mỏng, quá tải trong khi có hàng ngàn đơn mỗi ngày. Chưa kể, lực lượng công an, bộ đội đến mua hàng lại lúng túng trong khâu lựa chọn hàng hóa khiến cho thời gian bị kéo dài hơn.

Không chỉ khó khăn trong việc giao hàng cho người dân mà việc bổ sung thêm hàng vào siêu thị cũng đang gặp trở ngại. Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, hiện tại nguồn hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, nông sản bị thiếu do gặp khó khăn trong vận chuyển do yêu cầu giấy tờ của mỗi địa phương khác nhau có địa phương cho xe đi, có địa phương không, nên rất trở ngại.

Bên cạnh đó, có quy định tài xế sau khi kết thúc chuyến hàng trường hợp về nhà, phải ở phòng riêng biệt, đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không tiếp xúc trực tiếp với mọi người xung quanh… dẫn đến không có tài xế tham gia vận chuyển hàng.

Cũng tương tự, đại diện hệ thống Vinmart cho rằng việc nhập hàng của siêu thị cũng khó hơn. Cụ thể, xe tải chở hàng hóa thiết yếu của VinMart, VinMart+ không qua được nhiều chốt kiểm soát tại các phường, quận trong TP.HCM. Nhiều xe chở hàng phải quay đầu về kho, dẫn tới việc bổ sung hàng hóa thực phẩm cho các siêu thị cửa hàng không được thông suốt.

Saigon Co.op cho hay để đảm bảo nguồn cung hàng hóa Saigon Co.op đang cố gắng tăng cường tìm kiếm, kiểm soát chất lượng các nguồn hàng thiết yếu. Bên cạnh đó chia nhỏ các kho trung chuyển hàng thực phẩm tươi sống về các siêu thị, đơn vị trực thuộc nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy đường đi của hàng hóa khi có phát sinh lây nhiễm dịch bệnh trong quá trình hoạt động.

Đại diện Saigon Co.op

Cần xem lại khâu vận chuyển, phân phối

Các siêu thị, hệ thống phân phối lương thực thực phẩm tại TP.HCM ngày 27-8 cho biết hiện do quy định chỉ cho nhân viên đi làm 10% số lượng nên tại nhiều siêu thị số lượng nhân viên chỉ có khoảng chục người, không đủ để phục vụ.

Vì vậy việc chọn lựa, đóng gói đơn hàng rất vất vả khi không đủ nhân lực. Các siêu thị lớn chỉ có thể phục vụ tối đa 300-500 đơn hàng trong khi đó lượng đơn đặt hàng lên đến hàng ngàn.

Hầu hết siêu thị đều mong muốn tạo luồng xanh cho hàng hóa lưu thông từ vùng trồng, vùng sản xuất tới siêu thị thuận lợi. Đồng thời tạo điều kiện mở rộng để đội ngũ giao hàng thiết yếu được hoạt động, đáp ứng nhu cầu lớn của người dân.

Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là khâu phân phối đến tay người dân đang gặp nhiều khó khăn, lượng thực phẩm tiêu thụ từ ngày 23-8 đến nay bị sụt giảm rõ rệt, chưa bằng 1/10 nguồn cung có thể đáp ứng.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM thì trong 2 ngày đầu thực hiện siết giãn cách đã có gần 140.000 hộ dân đăng ký 'đi chợ hộ', trong tổng số gần 2,2 triệu hộ dân của thành phố - tương ứng tỷ lệ gần 7%. Tuy nhiên hiện tỷ lệ đáp ứng nhu cầu chỉ đang ở mức 20%, tức là cứ 5 hộ dân có nhu cầu thì có 1 hộ dân đã được nhận hàng. Sở Công Thương TPHCM cho biết, mỗi ngày có hơn 70.000 đơn hàng 'đi chợ hộ' được thực hiện và sẽ còn tăng trong những ngày tới.

Đến cuối tuần này, nhu cầu rau xanh và thịt cá tươi tại TPHCM sẽ tăng mạnh do một phần người dân dần hết lượng thực phẩm đã dự trữ từ trước đó. Đây là dự báo từ Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn. Áp lực lên khâu phân phối hàng với lực lượng hỗ trợ đang ngày càng lớn.

Grab ngày 27/8 đã đề xuất với UBND TP.HCM để cung cấp hạ tầng ứng dụng, làm trung gian hỗ trợ lực lượng chức năng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho gần 2 triệu người dân ở những quận, huyện nguy cơ cao và rất cao về dịch bệnh. Grab hỗ trợ miễn phí để tạo tài khoản cho các nhà cung ứng và lực lượng đi chợ hộ. Người dân đặt hàng qua ứng dụng có thể không dùng tiền mặt và người giao là lực lượng của chính quyền. Điều này có thể giúp tiết giảm đáng kể khâu tổng hợp thông tin trung gian, nhất là với các phường vẫn còn tổ chức đăng ký đi chợ hộ bằng giấy tay.

Đại diện Grab Việt Nam

Theo Tự sản xuất
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đơn hàng ‘đi chợ hộ’ đang dồn ứ ở các siêu thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO