Trước tình trạng tỷ lệ đơn hàng bị hoàn trả tăng đột biến do người nhận bị cách ly cũng như các biện pháp quản lý chưa phù hợp, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kiến nghị lên Thủ tướng nhằm khơi thông hàng hóa.
Hiệp hội này cho rằng, trên các sàn thương mại điện tử, hiện nay đơn hàng đang bị ùn ứ, trì hoãn do không thể giao đến khách hàng. Nhiều mặt hàng bị xếp vào danh sách "không thiết yếu" nên không được thực hiện nhưng lại rất cần thiết với người dân. Ngay cả mặt hàng thiết yếu là thực phẩm tươi sống, rau củ quả, các sàn cũng phản ảnh không thể làm hết công suất vì trở ngại trong giao hàng liên quận.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), mặc dù hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhưng hàng hoá hữu hình vẫn không thể tách rời đội ngũ giao hành. Nếu đông đảo người giao hàng nghỉ việc và doanh nghiệp liên quan ngừng hoạt động sẽ dẫn đến sự khủng hoảng trong chuỗi cung ứng cho đời sống của nhân dân các địa phương đang giãn cách xã hội.
Vecom đánh giá đội ngũ giao hàng có vai trò quan trọng thứ hai sau đội ngũ y tế trong bối cảnh đại dịch lây lan. Trong khi đa số người dân ở nhà thì họ phải di chuyển liên tục và tiếp xúc với rất nhiều đối tượng, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhiều đơn vị.
Do đó Vecom kiến nghị Thủ tướng giao cho UBND các địa phương, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế để hỗ trợ người giao hàng tối ưu hóa hoạt động của mình, qua đó cũng giúp các sàn thương mại điện tử phục vụ người dân tốt hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Vecom cũng đề nghị cho lưu thông danh mục hàng hoá như trong điều kiện bình thường. Bởi lẽ, thời gian giãn cách mức cao bằng hoặc trên Chỉ thị 16/CT-TTg kéo dài, nhu cầu của cá nhân và các đơn vị, tổ chức không chỉ giới hạn ở các mặt hàng thực phẩm, thuốc men mà rất đa dạng mới đáp ứng được hoạt động sinh sống, học tập và làm việc tại nhà.
Ngọc Vy