Ngày xưa cuộc sống còn gian khó, tôi còn nhỏ, đang học tiểu học. Cứ đến dịp cuối năm, khi những cơn gió mùa Đông Bắc ào đến tan tác cánh đồng, trời mưa rét căm căm, khi ấy cũng vừa thi xong học kỳ 1 là lũ nhỏ chúng tôi canh chừng... Tết.
Khi nhà trường thông báo lịch sẽ được nghỉ từ 27 Âm lịch thì trước đó một tuần, anh em tôi ngày nào cũng xem lịch, mong cho đêm mau qua, ngày nhanh hết. Đi học chẳng thể tập trung vào bài giảng, hình như đứa nào cũng thế, không riêng mình tôi. Ngày nào đi học về cũng phải giở quyển lịch treo tường bé bằng bàn tay rồi nhẩm tính còn mấy bữa nữa là đến ngày 27. Mong được nghỉ Tết để mẹ đưa mấy anh em về quê ăn Tết cùng với ông bà.
Thời ấy đi lại khó khăn, bố tôi đi bộ đội vắng nhà, quê chỉ cách thị xã nơi chúng tôi ở hơn 30 km nhưng đi lại khó khăn nên anh em tôi chỉ được về quê 1-2 lần/năm vào dịp hè và Tết. Tết mấy mẹ con bồng bế, dắt díu nhau ra bến xếp hàng mua vé xe về quê. Tết của những năm tháng thương khó, đơn sơ giản dị, nghèo mà ấm áp vui tươi, chộn rộn sắc màu.
Rồi tờ lịch ngày 26 cũng rơi xuống. Tôi đã xé lịch ngay từ buổi sáng hôm ấy, khi đến trường học buổi cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Mẹ tôi xin cơ quan cho nghỉ sớm sắp xếp áo quần của mấy mẹ con, hộp mứt Tết, chai rượu, kẹo bánh... Anh em tôi đi học về quăng cặp sách vui đùa, háo hức. Cả đêm trằn qua trằn lại không ngủ mong cho trời nhanh sáng.
Tết ngày ấy ở quê trong mắt đứa trẻ là tôi ngoài không gian hội hè đình đám, còn nhiều "thức ngon vật lạ" mà cả năm chỉ đến Tết mới được thưởng thức. Phải chăng vì bây giờ đòn bánh ấy đã "mất", đã thất truyền?
Chiều 29 Tết, không khí trong nhà, ngoài đường đã chộn rộn lắm. Trời rét hanh hao. Anh em tôi ngồi quây quần bên ông trong gian nhà ngang, cạnh đó là mẹt lá dong, thúng gạo nếp cái hoa vàng, rổ đậu, tàu lá chuối xanh mướt bên trên là những miếng thịt đã được ướp mắm muối hạt tiêu, bó lạt giang... xem ông gói bánh chưng. Sau khi gói xong chục tấm bánh, ông chừa lại ít gạo, đỗ gói phần riêng cho mấy anh em mỗi đứa một cái "bánh út", bé xinh bằng bàn tay.
Ông gói xong chục đồng bánh chưng cũng là lúc dì tôi bê vào chậu bột đã được xay sẵn. Tôi còn nhớ phần bột xay khô, cả nếp lẫn tẻ. Ông rắc vào ít mì chính, nước mắm, rau thì là... sau đó từ từ chế nước nhào bột. Dưới đôi bàn tay thô tháp của ông, chậu bột được nhào trộn rất kỹ.
Sau đó, ông chuyển bột sang cối đá vung chày giã, cho đến khi dẻo quánh lại, thử không còn dính tay thì ông tôi bắt đầu gói. Nhìn ông thoăn thoắt xếp những tấm lá dong xanh biếc, đổ bột, dồn bột, gấp lá rồi buộc lạt... thoắt cái 5 đòn bánh tròn, dài đều tăm tắp đã được ông gói xong.
Ông cũng không quên gói cho anh em tôi mỗi đứa một đòn bánh như thế nhưng bé xíu. Xong xuôi ông xếp vào chiếc nồi đồng mà ông gọi là nồi 7. Tôi hỏi, ông gói nhiều giò thế? Ông xoa xoa 2 bàn tay xù xì còn dính bột vào nhau cười, không phải giò con ạ, giò có một cái thôi, bánh này là bánh cua, bánh của nhà nghèo!
Đêm cuối năm bóng tối trùm lên vạn vật rất nhanh. Ngoài trời bắt đầu mưa, rét. Dì tôi rút thêm nắm rơm rải dưới chiếu, mấy dì cháu ngồi cắn chắt (thóc nếp rang), chuyện trò tí tách. Cơn buồn ngủ ập đến, tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào. Trong giấc mơ tôi phảng phất hương lá dong, hương nếp, mùi gió rét, mùi âm ẩm của đất đai cựa mình... cả đất trời như hòa quyện vào nhau...
Trời sáng lúc nào chẳng rõ. Tôi tỉnh dậy bà tôi đã đi chợ, phiên chợ cuối cùng trong năm. Dì tôi lúi húi ngoài vườn. Ông tôi đang sắp đặt lại ban thờ. Sau khi đánh răng rửa mặt, ông cho anh em tôi mỗi đứa một đồng bánh chưng, một đòn bánh cua bé xinh ông gói dành riêng từ hôm trước để ăn sáng. Tôi bóc lá, khẽ khàng nhấm thử. Miếng bánh deo dẻo mềm, vị ngòn ngọt, mằn mặn bảng lảng lẫn mùi rau thì là... Tất cả quyện lại, vương vấn không tan.
Bà tôi, rồi ông tôi lặng lẽ rủ nhau về miền mây trắng. Chúng tôi lớn dần lên. Bánh cua, thứ quà Tết giản dị, khiêm nhường năm nào không ai học được, dường như cũng theo ông về trời. Cậu tôi, dì tôi cũng nhiều lần làm thử nhưng "chả ra ngô ra khoai", như dì tôi nói.
Dì tôi bảo tôi: "Dì cố tìm và làm lại bánh cua ngày xưa ông làm, mấy lần rồi nhưng không thành. Nay có cháu về, nhưng cũng chưa chắc đã thành công... Lâu lắm rồi, cậu mày thử làm, nhưng không được...".
Rồi dì tôi lục tìm trong góc buồng ra mấy cái nồi đồng. Dì bảo: "Dì vẫn giữ nồi đồng, cậu về đòi mang đi nhưng dì không cho đấy...". Mấy cái nồi đồng lâu không được dùng đến ngả vàng thẫm xanh. "Nồi 3 ngâm đậu, nồi 5 ngâm nếp, nồi 7 luộc bánh". Ngày xưa ông tôi vẫn thường làm như vậy.
Tôi ra vườn, ở góc vườn, đám lá dong bánh tẻ xanh mướt khéo đong đưa. Vạt rau thì là vừa kịp lớn... Tôi cắt rửa sạch, để cho ráo nước mang vào. Không có khuôn phép nào cho món bánh cua. Để làm nên nó, tôi con nhớ nôm na nguyên liệu đơn giản gồm: Bột, đường, hạt tiêu, mắm, muối tinh, các cái gia vị... và thứ không thể thiếu là rau thì là.
Tất cả trộn quện với nhau, rồi vung chày giã. Giã cho đến khi bột dẻo quánh không còn dính vào thành cối đá, không còn dính vào chày nữa thì dì lấy 2 miếng mo cau được cắt khéo hình thang cỡ bàn tay quệt mo cau vun vào rồi giã tiếp. Dì tôi cũng quết, phết như ông tôi vẫn làm những Tết xưa. Xong khâu giã bột rồi đến công đoạn gói.
Lạt giang ông tôi chẻ đều từ lâu, để trên gác bếp nâu nâu mùi bồ hóng. Ông tôi mất đi, mớ lạt giang vẫn còn nhưng đã hao hụt nhiều. Gần Tết, mới có dịp dùng đến, dì tôi lấy xuống mang ra cầu ao ngâm nước qua một đêm. Sợi lạt lúc này vừa mềm vừa dẻo.
Mấy dì cháu tôi loay hoay làm món bánh cua như xưa ông tôi vẫn làm. Lạt giang xếp chữ thập, lá dong 4 chiếc, thêm lạt xếp chữ lục, vun vén cho lá dựng lên rồi đổ bột đã nhào sẵn. Cứ 5 cm quấn một lạt quanh, rồi nhồi bột... Đến khi hết, dì cháu tôi "giộng" cái cuộn tròn tạm gọi là bánh, tròn như gói giò xuống, vun đầu lá dong, buộc lạt thật chặt. Được đà, dì cháu tôi gói hết đám bột đã nhào được 3 đòn bánh hoàn chỉnh, và tôi tự tay gói thêm mấy đòn bé xinh xinh. Xong xuôi mọi việc đã gần nửa đêm.
Mớ than củi dì tôi chuẩn bị sẵn trước đó được gầy lên. Đó là những gốc cây trong vườn bị "ngã" không "dậy" được. Dì tôi nhờ người đánh gốc, ngâm xuống ao rồi vớt lên phơi. Bây giờ mang ra đốt. Củi chắc, đốt ngun ngún khói xua đi cái lạnh mùa đông. Học như ông tôi, dì tôi thả những đòn bánh vừa gói vào chiếc nồi đồng, đổ ngập nước, không quên bỏ vào nồi nước củ gừng tươi đập dập.
2 dì cháu ăn cơm muộn, bên bếp luộc bánh. Ngọn lửa trong bếp cháy rom rem, reo tí tách. Để cho giống Tết xưa, tôi tắt bớt đèn neon, chỉ để bóng đèn đỏ Rạng Đông. Dì cháu rì rầm trò chuyện, háo hức mong chờ món bánh cua chỉ còn trong tiềm thức, nhưng rồi cơn buồn ngủ kéo đến, và tôi ngủ quên từ lúc nào. Đêm cuối năm ở quê bình yên đến lạ.
Tôi tỉnh hẳn ngủ. Không kịp rửa mặt đánh răng háo hức cùng dì mở cái vung nồi bốc khói.
Những chiếc bánh đầu thừa đuôi thẹo tôi gói thêm được vớt ra đầu tiên. Tôi không tin vào mắt mình, hỏi dì: "Sao lá đâu rồi? Cháu buộc chắc rồi cơ mà...".
Dì tôi "suỵt" khẽ, túm mấy sợt lạt giang nhấc lên. Ối giời ơi, mớ lá dong bên ngoài đã ngả màu, nhưng đã nở bung, rách tươm. Nhấc đòn bánh lên, tôi khóc òa như trẻ con vì nó không giống tôi nghĩ, và cũng không giống như ông tôi đã gói.
Chả hiểu vì sao, dì cháu tôi đã buộc dây lạt rất kỹ, giờ từng đòn bánh "phòi" ra, bung muôn hình vạn trạng. Những chỗ bị "phòi" ra, nhão nhoẹt. Sợi giang buộc ngang cũng bung ra tức tưởi tự bao giờ.
Dì cháu tôi cố gắng vớt vát. Nhấc hết các đòn bánh ra, đặt vào cái rổ thưa để trên cao cho ráo.
Khi các đòn bánh đã nguội, dì tôi sai tôi đi lấy túi nilon bỏ từng đòn bánh vào, buộc thật chặt. Rồi dì lầm bầm câu gì đó trước khi thòng dây thả từng chiếc túi nilon bên trong có đòn bánh cua xuống giếng như ngày xưa ông tôi vẫn làm.
Cả háo hức lẫn hồi hộp, dì cháu tôi đợi đến khi nhấc những đòn bánh lên. Ôi, những đòn bánh cua của dì cháu tôi không giống như những đòn bánh ông ông đã gói năm nào. Lạt lá bung ra thảm hại. Nhìn chúng không khác những... bịch trồng nấm tai mèo là mấy.
Tôi nâng niu đòn bánh cua lúc này đã muôn hình vạn trạng, ngửi mùi lá dong nhưng nhức, mùi bột vương vất mùi hương thì là... bất chợt ứa nước mắt.