Đội tuyển Việt Nam và triết lý phòng ngự - phản công

Tam Nguyên| 25/10/2023 14:30

Sau loạt trận FIFA Days tháng 10, quan điểm về việc Đội tuyển Việt Nam trở lại áp dụng chiến thuật phòng ngự - phản công có thêm nhiều sự ủng hộ. Nên hay không?

Đội tuyển Việt Nam và triết lý phòng ngự - phản công
Huấn luyện viên Philippe Troussier sẽ cần linh hoạt hơn trong yêu cầu chiến thuật trước từng đối thủ. Ảnh: VFF

Cựu Huấn luyện viên Alex Ferguson từng nói: “Tấn công giúp bạn thắng một trận đấu, nhưng phòng ngự mang về danh hiệu”. Câu nói đó cũng có thể được hiểu rằng, “phải biết phòng ngự trước khi nghĩ đến tấn công” và được diễn giải thông qua triết lý phòng ngự - phản công nhiều đội bóng lựa chọn.

Đội tuyển Việt Nam từng chọn phong cách này và gặt hái thành công dưới thời Huấn luyện viên Park Hang-seo. Nhưng kể từ khi giành quyền lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 mà Tuyển Việt Nam thua 8/10 trận, lối đá phòng ngự - phản công cũng không phát huy tác dụng trước những đối thủ mạnh của châu lục.

Đó là lý do VFF và nhiều chuyên gia đồng tình rằng, bóng đá Việt Nam và đội tuyển cần được nâng cấp trình độ, phải thay đổi tư duy chơi bóng, chuyển từ phòng ngự thụ động sang chủ động kiểm soát bóng.

Đó là lý do VFF chọn ký hợp đồng với Philippe Troussier - huấn luyện viên đã thành công với một số đội tuyển quốc gia trong việc xây dựng nền tảng cho giai đoạn mới.

Thế nhưng, hơn nửa năm huấn luyện viên người Pháp làm việc (cả với đội U23), sự sốt ruột đang tăng cao, không chỉ từ người hâm mộ mà các chuyên gia, bình luận viên cũng vậy.

Huấn luyện viên Troussier tuyên bố, ông “tuyệt đối trung thành” với lựa chọn xây dựng lối chơi kiểm soát bóng, bất kể sức ép lúc này là rất lớn.

Tất nhiên, ai cũng hy vọng rằng, khi kết quả các trận giao hữu chưa phải là điều quan trọng nhất, đội tuyển sẽ thể hiện tốt hơn khi bước vào các trận đấu chính thức tại vòng loại World Cup 2026 từ tháng 11 tới.

Nhấn mạnh yếu tố “thể hiện” bởi cho đến thời điểm này, đó là điều Tuyển Việt Nam dưới tay ông Troussier chưa thuyết phục được tất cả.

Linh hoạt chiến thuật

Phân tích từ trận giao hữu với Tuyển Trung Quốc, không khó để rút ra việc tuyển Việt Nam thiếu sự nhuần nhuyễn ở 1/3 cuối sân - nói cách khác là thiếu ý tưởng tấn công.

Đổi lại, kiểm soát bóng nhiều để hạn chế nguy cơ thủng lưới nhưng vẫn nhận về 2 bàn thua. Sau đó, ở trận đấu với tuyển Hàn Quốc có sức mạnh vượt trội, Tuyển Việt Nam buộc phải đá phòng ngự - phản công và có thể hiện tốt hơn hẳn.

Dù thua đậm nhưng các học trò của ông Troussier đã tạo được một số cơ hội rõ rệt. Đó là lý do để quan điểm cho rằng Tuyển Việt Nam nên trở lại với lối đá phòng ngự - phản công được ủng hộ nhiều hơn. Tuy nhiên, cách nghĩ đó xuất phát nhiều từ khía cạnh kết quả. Sẽ còn nhiều đối thủ mạnh khác nữa, mà việc quay lại đá phòng ngự - phản công khác nào sự lặp lại của vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Ở đây, cần giữ được sợi dây xuyên suốt của quan điểm trong thời kỳ mới là “nâng tầm và đặt đội tuyển vào sự chủ động”. Nhưng đổi lại, Huấn luyện viên Troussier sẽ phải hiểu nhiều hơn về tố chất của cầu thủ Việt Nam để “xác định một cách chủ động” về phương án tiếp cận trận đấu trước từng đối thủ.

Trước các đối thủ mạnh, khi cầu thủ Việt Nam thua cả về thể lực, sức mạnh, tốc độ lẫn sức bền, nỗ lực tranh chấp quyền kiểm soát bóng sẽ khiến họ trở thành “bóng xì hơi” khi hiệp 1 còn chưa kết thúc.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đội tuyển Việt Nam và triết lý phòng ngự - phản công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO