Một kết thúc hợp lý
Khá đường đột với thông tin Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và huấn luyện viên Park Hang-seo thống nhất không tiếp tục đồng hành sau tháng 1.2023, bởi theo giới thạo tin, ngày 20.10 mới là thời điểm cuộc đàm phán chính thức được thực hiện. Tuy nhiên, sau sự bất ngờ ban đầu, nhiều người hiểu rằng, kết thúc vào thời điểm này là hợp lý.
Các chuyên gia, những nhà bình luận và cả giới truyền thông đều đưa ra những lý do chính đáng ở cả 2 phía để giải thích cho sự hợp lý đó. Cho dù kết quả của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022 có thế nào, người ta vẫn tin rằng, “mối lương duyên” giữa bóng đá Việt Nam với thầy Park kết thúc trong sự êm đẹp, nhiều niềm vui hơn là những nỗi buồn.
Ông đã đến và làm thay đổi nhiều thứ, trong đó có hình ảnh, vị thế của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Nói ông may mắn cũng được - vì đúng thời điểm bóng đá Việt Nam có thế hệ cầu thủ trẻ xuất sắc để làm việc cùng ông một cách lâu dài, nhưng phải hiểu rằng, có những vấn đề mà các huấn luyện viên nội không thể làm nổi, ngay cả với thế hệ cầu thủ này. Thời thế tạo anh hùng là vậy.
Sự tiếc nuối thể hiện rõ trong nhiều chia sẻ của các cầu thủ đã làm việc cùng thầy Park, từ các chuyên gia cho đến người hâm mộ. Nhưng hướng tới tương lai, bản thân huấn luyện viên 64 tuổi cũng phần nào hiểu rằng, giai đoạn - hay nói đúng hơn là “nhiệm vụ”, lịch sử của ông với bóng đá Việt Nam cần dừng lại.
Một cách thực tế, Park Hang-seo không thể đưa đội tuyển Việt Nam vươn lên một nấc thang cao hơn nữa. Nấc thang mang tên World Cup mà bóng đá Việt Nam đã đặt ra mục tiêu.
VFF chọn ai và hướng đi nào?
Ngay trong ngày xuất hiện thông tin Park Hang-seo chia tay, giới truyền thông đã nhanh tay chỉ ra những nhân vật có thể kế nhiệm ông, tuy nhiên, VFF thì không thể nhanh như vậy được. Câu hỏi đặt ra là, VFF sẽ bắt tay vào việc tìm huấn luyện viên mới ngay thời điểm này hay chờ đến khi thầy Park hoàn thành nhiệm vụ tại AFF Cup? Và nếu làm thì chọn ai và hướng đi nào cho đội tuyển?
Việc VFF tìm kiếm huấn luyện viên mới từ lúc này có ảnh hưởng đến tâm lý của thầy Park hay không? Có lẽ là không, bởi với cá tính của mình, một khi đã xác định tư tưởng, ông sẽ tập trung vào nhiệm vụ “đặc biệt quan trọng” sắp tới. Điều cần được quan tâm là VFF xác định hướng đi nào, để từ đó lên danh sách các ứng viên.
Khi Park Hang-seo đã tìm ra cho đội tuyển Việt Nam một lối chơi, một đội hình chiến thuật phù hợp, VFF muốn người kế nhiệm tiếp tục con đường đó, hay rẽ sang một triết lý khác? Có ai đó tương thích với triết lý đó thì thực sự tốt, bởi các cầu thủ sẽ không mất nhiều thời gian thích nghi.
Dưới góc nhìn chuyên môn, nếu người kế nhiệm là huấn luyện viên nội hoặc nhân vật nào đó là trợ lý của thầy Park, nhiều khả năng sẽ có tính tiếp nối. Còn nếu chọn huấn luyện viên ngoại, khả năng đó không cao. Nhưng dù là ai, cần nhắc lại một lần nữa, nhiệm vụ phải là “nâng bậc trình độ” cho đội tuyển.
Về điểm này, huấn luyện viên nội khó làm được, ngay cả khi có bằng Pro và thuận lợi là việc truyền đạt ý tưởng không phải qua phiên dịch. Ngay cả với huấn luyện viên ngoại, cũng phải có tiêu chí rõ ràng về trình độ, thành tích và kinh nghiệm làm việc, tương xứng với tham vọng World Cup. Sớm liên hệ được với nhân tố phù hợp, việc theo dõi đội tuyển tại AFF Cup sẽ là cơ hội tốt để “thuyền trưởng” mới có cái nhìn tổng quan, đưa ra quan điểm, đánh giá ban đầu với VFF, trước khi ký vào bản hợp đồng, mở ra giai đoạn mới cho đội tuyển Việt Nam.