Sau 5 năm làm việc với bóng đá Việt Nam, huấn luyện viên Park Hang-seo đã kết thúc sứ mệnh của mình sau trận chung kết lượt về AFF Cup 2022. Bản thân huấn luyện viên người Hàn Quốc, các cầu thủ cũng như người hâm mộ Việt Nam rất buồn vì không thể giành chức vô địch, nhưng ở khía cạnh khác, thất bại này giúp chúng ta nhìn lại mình, đánh giá chính xác hơn vị trí, vị thế của mình.
5 năm huấn luyện viên Park Hang-seo làm việc là giai đoạn thành công – nếu không muốn nói là thành công nhất từ trước đến nay, của bóng đá Việt Nam. Dẫu vậy, vẫn phải thấy rằng, thầy Park đã đúng khi quyết định dừng lại ở thời điểm này.
Trong 5 năm, ông đã nâng tầm bóng đá Việt Nam, nhưng khi cần bước lên một tầm cao hơn nữa, ông nhận thấy mình không đáp ứng được. Tương lai của bóng đá Việt Nam cần một huấn luyện viên có thể giúp đội tuyển tiệm cận với World Cup, phát huy tốt hơn nữa phẩm chất của các cầu thủ.
Bóng đá có giai đoạn và sau khi tuyển Việt Nam đã đi lên một nấc thang mới cùng triết lý của thầy Park, giai đoạn tiếp theo cần phải có những điểm thay đổi, khác biệt. Tất nhiên, sẽ không nên là câu chuyện “đập đi làm lại” sau những gì thầy Park đã tạo dựng.
Trong những di sản mà thầy Park để lại, ngoài những chiếc cúp, những vị trí cao ở các giải đấu lớn, nền tảng phòng ngự là yếu tố quan trọng cần phát huy. Qua suốt 5 năm, việc huấn luyện viên Park Hang-seo trung thành với sơ đồ 3 trung vệ là điểm rất có lợi.
Với bóng đá thế giới, 3 trung vệ đang là xu hướng, mà khi hiếm có giai đoạn nào bóng đá Việt Nam sở hữu những trung vệ chất lượng như hiện tại, người kế nhiệm thầy Park hoàn toàn có thể duy trì sơ đồ này.
Vấn đề còn lại là thay đổi cách chơi từ tuyến giữa cho đến hàng công.
Trên hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo, ở trung tâm hàng tiền vệ, ông không còn sử dụng tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa nữa. Thay vào đó là các cầu thủ có khả năng kiểm soát, chuyền bóng.
Đã có giai đoạn điều đó phát huy tốt để lối chơi của đội tuyển thực sự nhuần nhuyễn, đẹp mắt, hiệu quả. Nhưng dần dần, khi các cầu thủ bắt đầu chững lại, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, việc chuyền bóng đã mất dần sự sáng tạo, mất cả năng lượng trong những pha di chuyển, dẫn đến việc phối hợp dần chuyển sang theo bài.
Kết quả là lối chơi trở nên dễ bị bắt bài. Có thể vẫn có hiệu quả trước các đội bóng yếu hơn nhưng khi phía trước là đối thủ có trình độ, sự bế tắc dễ nhận thấy.
Cũng có một điểm phải khẳng định là cho dù ở thời điểm các cầu thủ trụ cột còn ở thời điểm sung sức, phong độ tốt, tuyển Việt Nam của Park Hang-seo vẫn không được đánh giá cao mỗi khi phải áp đặt lối chơi.
Cũng là cầm bóng nhiều nhưng cách các cầu thủ Thái Lan triển khai bóng, di chuyển chiến thuật là sự khác biệt cực lớn để tạo ra đột biến. Người kế nhiệm thầy Park cũng sẽ phải thay đổi điều đó.
Chuyển lên tuyến trên, các cầu thủ tấn công của tuyển Việt Nam hiện tại có sự đa dạng về phong cách, nhưng thầy Park hiếm khi thay đổi để tận dụng sự linh hoạt đó.
Tiến Linh có phong độ ghi bàn tốt ở AFF Cup 2022 nhưng cũng chỉ nên coi anh là một phương án cho giai đoạn nào đó của trận đấu. Thực tế là ở AFF Cup vừa qua, đóng góp của Tiến Linh vào lối chơi chung là không nhiều, anh cần có các nhân tố chấp nhận “hy sinh”, di chuyển không bóng nhiều, gây áp lực hoặc tạo khoảng trống.
Do đó, để thay đổi, tân huấn luyện viên của đội tuyển cần mạnh dạn chuyển đổi sơ đồ 3-4-2-1 thành 3-4-3. Sơ đồ đó buộc các cầu thủ phải di chuyển linh hoạt, kéo giãn đội hình đối phương, và cũng giúp các cầu thủ chạy cánh nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn thay vì đơn độc như khi bị các cầu thủ Thái Lan khóa chặt.
Nếu coi giai đoạn của huấn luyện viên Park Hang-seo là tạo nền móng thì với huấn luyện viên mới, tuyển Việt Nam cần xây dựng được lối chơi tấn công. Tham vọng World Cup không thể được thực hiện nếu chỉ tồn tại bằng những kết quả an toàn…