Mastodon được nhiều người dùng bất mãn với Twitter coi là phương án thay thế khả thi nhất. Ảnh: canberratimes. |
Nhiều người dùng bất mãn với các thay đổi của Twitter đang tìm đến Mastodon, nền tảng mạng xã hội mã nguồn mở được tổ chức thành nhiều nhóm, hay "server" hoặc "instance" như cách gọi của người dùng, dành cho các chủ đề khác nhau.
Fosstodon, nhóm về công nghệ mã nguồn mở trên Mastodon, trước đây chỉ có khoảng 3.000 thành viên chờ phê duyệt bây giờ có đến 40.000. Đây không phải là nhóm duy nhất đang gặp sự cố quá tải. “Chúng tôi không thể theo kịp nhu cầu tham gia, vì vậy đã để mở nhóm", Mike Stone, người đồng sáng lập Fosstodon cho biết.
Thị trường ngách
Mastodon đã phục vụ một thị trường ngách kể từ khi thành lập vào năm 2016, có khoảng 380.000 người dùng tính đến ngày 28/10. Vào ngày 7/11, nhà sáng lập Eugen Rochko “toot”, thuật ngữ cho việc đăng bài trên Mastodon, gần giống như "tweet" trên Twitter, rằng mạng đã đạt hơn 1 triệu người dùng.
Chỉ trong một tuần Musk tiếp quản Twitter, Mastodon có 1.124 nhóm mới và khoảng 500.000 người dùng mới. Bot Sentinel ước tính rằng hơn 1 triệu tài khoản Twitter đã bị xóa trong thời gian này. Nhiều người dùng Twitter đổi tên thành đường dẫn trang cá nhân mới trên Mastodon, hoặc nói rằng họ sẽ tìm cách "di cư" sang nền tảng phi tập trung này.
Elon Musk chế nhạo tên gọi Mastodon trên trang cá nhân, nhưng sau đó đã xóa bài đăng khi bị người dùng chỉ trích. Ảnh: twimg. |
Khi đăng ký tài khoản Mastodon, người dùng cần chọn cho mình một nhóm, và phải được nhóm đó chấp thuận rồi mới có thể bắt đầu tương tác với các tài khoản khác từ bất kỳ nhóm nào trên nền tảng. Tên tài khoản sẽ hiển thị như địa chỉ email, mỗi nhóm có một tên miền riêng.
Hầu hết quản trị viên trong hơn 4.000 nhóm không thể theo kịp các yêu cầu tham gia ồ ạt. Các nhóm phổ biến, như mstdn.social và mastodon.social, không thể nhận thêm người mới. Vì vậy nhiều người dùng bắt đầu phàn nàn về việc phải chờ chấp thuận quá lâu hoặc không nhận được email xác minh để thiết lập tài khoản.
Rochko cho biết lượng người dùng mới khổng lồ đã làm quá tải các nhóm chính, gây khó khăn trong việc lập tài khoản mới. Nhà sáng lập này cho biết đã điều chỉnh quy trình đăng ký để người dùng dễ tìm ra các nhóm phù hợp cho mình, mà không cần đổ dồn về các nhóm nổi tiếng.
Lợi và hại của Mastodon
Tính phi tập trung của Mastodon tỏ ra hấp dẫn với những người rời Twitter vì những thay đổi độc đoán của Musk, nhưng cũng là điểm yếu. Mastodon không sẵn sàng tiếp đón hàng triệu người trong một khoảng thời gian ngắn.
Mastodon quảng cáo rằng họ là mạng xã hội "không bán người dùng" và do các quản trị viên cộng đồng kiểm soát. Ảnh: mobilesyrup. |
Trong mỗi nhóm, quản trị viên toàn quyền quyết định các yêu cầu tuyển chọn thành viên, tổ chức nhóm và kiểm duyệt nội dung. Chẳng hạn, một máy chủ dành cho các nhà khoa học chuyên nghiệp yêu cầu các ứng viên dẫn liên kết đến nghiên cứu để chứng minh mình thực sự là nhà khoa học.
Về mặt tích cực, những quản trị viên là "người trong ngành" và hiểu rõ cách tốt nhất để phục vụ một cộng đồng nhỏ. Mặt khác, mạng lưới phi tập trung làm cho Mastodon không dễ ứng phó với biến cố, như lượng người dùng tăng đột biến, như các mạng xã hội lớn khác.
Mạng xã hội này cũng tỏ ra thiếu ổn định, bị ngoại tuyến khoảng 10% thời gian trong năm 2019. Ngay cả trong thời điểm "be bét" nhất, Twitter cũng chỉ ngoại tuyến khoảng 1,25% thời gian.
Thời gian chờ đợi để được tham gia Mastodon trở nên đặc biệt khó chịu vì người dùng đã quen với các thao tác nhanh, đăng ký, bấm nút và tham gia, theo Robert Gehl, giáo sư nghiên cứu về truyền thông tại Đại học York ở Canada.
"Cách tham gia phức tạp hơn một chút, nhưng đối với những ai quan tâm đến một không gian hướng tới cộng đồng nhiều hơn, tôi nghĩ điều này xứng đáng", Gehl nói thêm.