Đội tàu sân bay "át chủ bài" giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể

24/07/2022 06:37

Nhờ sở hữu đội tàu sân bay đông đảo nhất thế giới, Mỹ đang duy trì lợi thế chiến lược so với các đối thủ như Nga và Trung Quốc, cũng như đảm bảo cho vị thế siêu cường quân sự hàng đầu.

ĐỘI TÀU SÂN BAY "ÁT CHỦ BÀI" GIÚP MỸ TRANH HÙNG KHẮP NĂM CHÂU BỐN BỂ

Nhờ sở hữu đội tàu sân bay đông đảo nhất thế giới, Mỹ đang duy trì lợi thế chiến lược so với các đối thủ như Nga và Trung Quốc, cũng như đảm bảo cho vị thế siêu cường quân sự hàng đầu.

Theo Popular Mechanics, năm 2022 đánh dấu một sự kiện đặc biệt: Tròn 100 năm Mỹ chế tạo được chiếc tàu sân bay đầu tiên. Năm 1922, USS Langley, một tàu sân bay có thể chở 36 máy bay, được hoàn thành tại Norfolk, Virginia.

Sau 100 năm, hải quân Mỹ đã lột xác với đội tàu sân bay hiện tại gồm 11 chiếc hoàn toàn chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong một thế kỷ, công nghệ của Mỹ đã đạt được những bước đại nhảy vọt giúp cho cả những tàu sân bay và máy bay hoạt động trên những chiến hạm này trở thành những thế lực giúp Washington tranh hùng trên các đại dương.

Tàu sân bay từ trước tới nay là một vũ khí uy lực thể hiện sức mạnh của một nền hải quân. Dù trong những năm qua, đã xuất hiện những ý kiến trái chiều về việc tàu sân bay có thể trở thành một mục tiêu "cồng kềnh" dễ bị tấn công bởi các tên lửa và ngư lôi hiện đại, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng những hàng không mẫu hạm này chưa thể hết thời, đặc biệt là với những chiến hạm mạnh uy lực nhất nhì thế giới mà Mỹ đang sở hữu.

ĐỘI TÀU SÂN BAY LỚN VÀ UY LỰC NHẤT THẾ GIỚI

Đội tàu sân bay át chủ bài giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể - 1

USS Langley - tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Mỹ hiện có 11 tàu sân bay, là quốc gia sở hữu đội hàng không mẫu hạm hùng hậu nhất thế giới. Nếu tính cả những tàu sân bay trực thăng cỡ nhỏ, thì các nền quân đội trên thế giới hiện đang vận hành gần 30 chiếc loại này. Nếu so sánh, các đối thủ lớn nhất của Mỹ hiện tại là Trung Quốc và Nga, con số tàu sân bay của Washington nhiều áp đảo

Các tàu sân bay hiện tại của Mỹ chia làm 2 lớp chính là Nimitz (10 chiếc) và Ford. Lớp Nimitz có lượng giãn nước tối đa 105.000 tấn và chiều dài 332 m. Tàu lớp Ford có kích cỡ tương tự, nhưng được bổ sung thêm một số công nghệ tối tân hơn là hệ thống phóng máy bay điện từ, thiết bị thu hồi máy bay, radar băng tần kép mới và thang máy cho vũ khí điện từ.

Mỗi tàu sân bay Mỹ chứa tối đa 75 máy bay, bao gồm 40 đến 44 máy bay chiến đấu tấn công F/A-18E/F Super Hornet và tiêm kích tấn công liên hợp F-35.

Đội tàu sân bay át chủ bài giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể - 2

USS Gerald R. Ford - tàu sân bay mới nhất của Mỹ - mới vào biên chế năm 2017 (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Dù USS Langley đã ra đời vào năm 1922, nhưng phải đến những năm 1940, Mỹ mới bắt đầu đưa tàu sân bay vào trọng tâm trong chiến lược quân sự của họ.

Theo các chuyên gia, bước ngoặt khiến Mỹ thay đổi chính là vụ việc phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Hawaii vào ngày 7/12/1941. Sự kiện này không chỉ đánh dấu việc Mỹ quyết định tham gia vào Thế chiến II mà còn như một sự "thức tỉnh" với Washington.

Vụ tấn công nhằm vào một căn cứ nằm cách lục địa Mỹ hàng nghìn km đã khiến Mỹ quyết định đưa tàu sân bay trở thành khí tài không thể thiếu trong suốt cuộc chiến. Họ đóng đồng loạt các tàu sân bay mới và đưa tới chiến trường, biến nó thành căn cứ không quân trên biển.

Kể từ đó tới nay, sự xuất hiện của tàu sân bay ở bất cứ đại dương nào đều khiến các đối thủ của Mỹ theo sát.

Đội tàu sân bay át chủ bài giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể - 3

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc hiện có 3 tàu sân bay và dường như đang chuẩn bị đóng chiếc thứ 4. Tuy nhiên, cả 3 chiếc tàu sân bay Bắc Kinh đang biên chế đều không thể so sánh với Mỹ. Hai chiếc đầu tiên là Liêu Ninh và Sơn Đông đều sở hữu thiết kế lỗi thời vì đều dựa theo mẫu tàu sân bay lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo từ những năm 1980 với phần thiết kế đường băng kiểu "nhảy cầu".

Đặc điểm này khiến cho máy bay Trung Quốc phải mang ít vũ khí đi, cũng như giảm bớt khối lượng nhiên liệu.

Tới chiếc thứ 3 là Phúc Kiến, nó đã được trang bị thêm công nghệ phóng máy bay hiện đại hơn, có thể kể đến như hệ thống phóng máy bay điện từ giống như trên các tàu sân bay của Mỹ. Công nghệ này cho phép Trung Quốc vận hành nhiều loại máy bay hơn, phóng máy bay nhanh hơn cũng như các phi cơ có thể mang nhiều đạn dược hơn.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Matthew Funaiole của CSIS, Phúc Kiến vẫn không phải là đối thủ của tàu sân bay Mỹ. Các hàng không mẫu hạm của Washington có nhiều hệ thống phóng hơn, đường băng lớn hơn và nhiều thang máy hơn để cho phép triển khai máy bay nhanh hơn.

Ngoài ra, tàu sân bay Mỹ cũng chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Type 003 được cho là chạy bằng động cơ đẩy hơi nước thông thường, yếu tố sẽ làm hạn chế tầm hoạt động của vũ khí này một cách đáng kể.

Mặt khác, theo Business Insider, Trung Quốc cũng chưa thể so sánh với Mỹ về năng lực của các tiêm kích sử dụng trên tàu sân bay. Tiêm kích J-15 mà Trung Quốc đang sử dụng không thể là đối thủ của các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet và F-35 của Mỹ.

Đội tàu sân bay át chủ bài giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể - 4

Hàng không mẫu hạm duy nhất của Hải quân Nga Đô đốc Kuznetsov (Ảnh: Wikipedia).

Trong khi đó, Nga hiện chỉ có đúng một chiếc tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov nhưng chiếc này liên tục gặp trục trặc và vẫn đang trong quá trình sửa chữa. Hiện có nhiều đồn đoán về việc Nga có thể loại biên tàu này vì chi phí tu sửa có thể sẽ rất đắt đỏ.

Đô đốc Kuznetsov cũng là một di sản từ thời Liên Xô. Nó chỉ có lượng choán nước 60.000 tấn, về lý thuyết có thể đạt tốc độ 57km/h, có thể mang theo khoảng 40 máy bay cánh bằng và trực thăng. Nó cũng sở hữu đường băng kiểu "nhảy cầu" đã lỗi thời và động cơ thường.

Một điểm mạnh của tàu này là nó được trang bị các hệ thống tên lửa mạnh hơn hầu hết các tàu của phương Tây.

Việc Nga dừng hoạt động phần lớn đội tàu sân bay thừa hưởng từ Liên Xô hoặc bị chậm trễ trong việc đóng tàu sân bay mới có nhiều lý do.

Thứ nhất, theo Robert Farley, giáo sư đại học Chiến tranh quân sự Mỹ, Nga dường như thiếu nguồn lực để chế tạo và duy trì. Chi phí đóng mới tàu sân bay có thể lên tới vài tỷ USD, như chiếc USS Ford của Mỹ đã mất tới hơn 13 tỷ USD để chế tạo.

Ngoài ra, việc vận hành tàu sân bay cũng ngốn một khoản phí không nhỏ. Để vận hành cả một căn cứ trên biển, Mỹ triển khai khoảng 5.000 quân nhân sinh sống và làm việc thường xuyên trên tàu sân bay. Điều này đòi hỏi một khoản chi phí không nhỏ để duy trì.

Thứ hai, học thuyết quân sự của Nga khác với Mỹ. Nga không có nhiều căn cứ ở nước ngoài rải khắp thế giới như Mỹ.

Năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhận định, Mỹ dành một khoản tiền lớn từ ngân sách quốc phòng cho tàu sân bay nhưng Nga thì không cần 5-10 nhóm tác chiến tàu sân bay vì họ chưa có ý định đưa lực lượng ra quá xa lãnh thổ.

"Chúng tôi cần các phương tiện có thể dùng để chống lại các nhóm tàu sân bay của đối thủ khi Nga bị tấn công. Điều này tiết kiệm chi phí hơn hẳn và hiệu quả hơn", Bộ trưởng Nga cho biết.

Trên thực tế, trong những năm qua, Nga tập trung vào việc phát triển các vũ khí mà họ gọi là "sát thủ tàu sân bay" ví dụ như tên lửa siêu vượt âm. Khác với tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm có đường bay rất phức tạp, khó đoán, làm khó mọi hàng phòng thủ.

Kết hợp với tốc độ tối thiểu gấp 5 lần tốc độ âm thanh, chúng có tiềm năng trở thành vũ khí chết chóc với các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Nga lần đầu tiên phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon từ tàu ngầm

Nga hiện là nước đi đầu trong cuộc đua phát triển tên lửa siêu vượt âm, ví dụ tên lửa mang tên Zircon. Với tốc độ bay có thể đạt đến mức nhanh gấp 11 lần tốc độ âm thanh (khoảng 13.500 km/h), tên lửa này được xem là "không thể cản phá", ngay cả với những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới.

Ngoài ra, với tầm bắn khoảng 1.500km cùng khả năng mang đầu đạn nặng tới 400kg hoặc đầu đạn hạt nhân, tên lửa Zircon đủ uy lực để thách thức bất cứ tàu chiến nào của đối phương, kể cả tàu sân bay.

Mặt khác, Nga cũng sở hữu hạm đội tàu ngầm hùng hậu - vũ khí được xem là "khắc tinh" của tàu sân bay. Gần đây, Nga đã biên chế siêu tàu ngầm Belgorod, vũ khí có thể mang 6 quả ngư lôi Poisedon "Ngày tận thế", trong đó mỗi quả có sức công phá đủ "thổi bay" một nhóm tác chiến tàu sân bay. Mỹ từng bày tỏ lo ngại về loại vũ khí này.

TÀU SÂN BAY MỸ CÓ DỄ BỊ ĐÁNH CHÌM?

Đội tàu sân bay át chủ bài giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể - 5

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford và tàu sân bay USS Harry S. Truman ở Đại Tây Dương (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Hồi cuối năm 2018, một tướng Trung Quốc từng gây xôn xao giới chuyên gia quân sự khi nhắc tới phương án Bắc Kinh có thể đánh chìm một hoặc hai tàu sân bay Mỹ. Phát biểu của tướng này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 cường quốc leo thang dồn dập vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng đề xuất trên không phải là chuyện muốn là có thể làm được.

Trên thực tế, quân đội Mỹ từng thực hiện bài diễn tập đánh chìm tàu sân bay hồi năm 2005. Họ sử dụng tàu USS America - vốn đã bị loại biên - để thử nghiệm năng lực phòng thủ của tàu. Vào thời điểm đó, USS America bị tấn công dồn dập liên tiếp từ hàng loạt các khí tài khác nhau. Sau 4 tuần hứng "mưa hỏa lực", USS America lúc này mới chìm hẳn.

Theo ông Talbol Manvel, người từng là kỹ sư tham gia dự án chế tạo tàu sân bay lớp Ford: "Gần như là không thể tấn công một tàu sân bay Mỹ trừ khi đối thủ dùng vũ khí hạt nhân".

Đội tàu sân bay át chủ bài giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể - 6

Tàu sân bay Mỹ được xem là căn cứ không quân di động trên biển (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Thứ nhất, tàu sân bay Mỹ hiện có thiết kế rất vững chắc với các tàu có lượng giãn nước trung bình khoảng 100.000 tấn. Vì vậy, việc đánh chìm các tàu này là điều rất khó thực hiện.

Vì kích thước quá lớn, nên để tàu sân bay chìm, nước phải tràn vào một số khu vực nhất định. Trong kịch bản tàu bị trúng hỏa lực, các thủy thủ có thể ngăn không cho nước tràn qua các khu vực khác trên tàu vì tàu sân bay bao gồm rất nhiều khu vực riêng rẽ bên trong và các quân nhân có thể phong tỏa các bộ phận này khi cần thiết.

Ngoài ra, Mỹ sử dụng trên tàu sân bay nhiều lớp thép bảo vệ. Bản thân các lớp thép này đã có khả năng hạn chế hỏa lực xuyên qua và được sắp xếp tạo ra các khoảng trống ở giữa để giảm bớt áp lực khi đầu đạn phát nổ. Các lớp bảo vệ này cũng đồng thời ngăn chặn các rủi ro có thể xảy tới với kho bom và tên lửa trên các tàu sân bay.

Đội tàu sân bay át chủ bài giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể - 7

Các tàu sân bay thường di chuyển theo dạng nhóm tác chiến. Một nhóm tác chiến thường bao gồm tàu sân bay, ít nhất 1 tàu tuần dương, 6-10 tàu khu trục/hộ vệ, và 1 không đoàn tàu sân bay (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Thứ hai, xung quanh tàu sân bay là các tàu tuần dương, khu trục thuộc nhóm tác chiến. Các tàu này có nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay khỏi tên lửa, máy bay chiến đấu và ngư lôi đối thủ.

Tàu sân bay và các tàu đi kèm hộ vệ được trang bị các radar, sonar và vũ khí nhằm ngăn chặn các tàu tàng hình đối phương áp sát quá gần để tấn công bằng ngư lôi. Ngoài ra, các tàu thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay còn được trang bị thiết bị chống tác chiến điện tử và đánh chặn khí động học để đề phòng tên lửa tấn công.

Mặc khác, các tàu này còn sở hữu hàng loạt vũ khí có khả năng tấn công tầm gần khi mối đe dọa áp sát.

Video Mỹ kích nổ "như động đất" cạnh tàu sân bay đắt nhất thế giới

Thêm vào đó, Mỹ cũng có trang bị các thiết bị chống lại tàu ngầm, vũ khí có thể được coi là mối đe dọa rất lớn tới tàu sân bay.

Chính vì vậy, theo Business Insider, các chuyên gia cho rằng, đối thủ thường phải phóng hàng trăm vũ khí vào một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thì mới có thể hy vọng có một vài vũ khí xuyên qua được lớp phòng thủ dày đặc này. Câu hỏi đặt ra là, liệu đối thủ của Mỹ có sẵn sàng thực hiện một cuộc tấn công tốn kém, phức tạp như vậy hay không khi họ cũng có nguy cơ cao sẽ bị đáp trả?

Theo Forbes, tàu sân bay của Mỹ có thể được xem là "một trong những nơi an toàn nhất khi xảy ra chiến tranh".

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của tên lửa siêu vượt âm và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân như Zircon hay các ngư lôi Poseidon, đây cũng có thể được xem là mối đe dọa tiềm tàng với các tàu sân bay "khủng" của Mỹ.

KỶ NGUYÊN TÀU SÂN BAY ĐÃ CHẤM DỨT?

Dàn tàu sân bay Mỹ "thị uy" sức mạnh ở Thái Bình Dương

Các chuyên gia quân sự thường tập trung vào khía cạnh "dễ tổn thương" của tàu sân bay, cho rằng nó là một mục tiêu rủi ro cao vì kích thước lớn, xuất hiện rõ ràng trên các vệ tinh đối thủ, cũng như ngày càng nhiều các vũ khí hiện đại đe dọa tới các chiến hạm này. Nếu như một biểu tượng của nền quân sự hùng mạnh bị đánh chìm, hoặc tấn công dẫn tới hư hại, nó có thể sẽ có tác động rất lớn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có boong lớn vẫn sẽ là một phần quan trọng trong lực lượng hải quân Mỹ trong ít nhất là nửa thế kỷ tới.

Về mặt bản chất, tàu sân bay là một căn cứ không quân di động có rủi ro bị tấn công thấp hơn nhiều so với căn cứ cố định, theo chuyên trang quân sự 19fortyfive. Tính cơ động của nó giúp Mỹ triển khai được tới nhiều khu vực trên thế giới, để hiện diện quân sự phát đi thông điệp "nắn gân" đối thủ.

Đội tàu sân bay át chủ bài giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể - 8

Phi đội máy bay hùng hậu trên tàu USS Ronald Reagan (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Giới quan sát nhận định, điểm mạnh lớn nhất của tàu sân bay không phải chỉ là con tàu, mà là đội máy bay hùng hậu đậu trên nó. Bộ phận không quân của tàu sân bay là một ví dụ điển hình của một nhóm tác chiến hoàn thiện.

Nó có sự góp mặt không chỉ của các tiêm kích, mà còn có các máy bay trinh sát, cảnh báo sớm, chỉ huy và kiểm soát, tiếp liệu, tác chiến điện tử, ví dụ Hawkeye E-2D, CMV-22B Osprey cũng như phi cơ không người lái MQ-25A Stingray.

Trong một cuộc chiến, sự tinh nhuệ của lực lượng này có thể tạo nên những điểm khác biệt trong thế trận. Tàu sân bay chứa một kho đạn và hỏa lực khổng lồ để "bơm" liên tục cho các máy bay trong một thời gian kéo dài.

Đội tàu sân bay át chủ bài giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể - 9

Một tiêm kích F-35 (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Khả năng vận hành nhóm tác chiến tàu sân bay, nhóm không quân vượt trội so với đối thủ sau 100 năm triển khai khiến cho Mỹ sở hữu năng lực mà mọi đối thủ phải dè chừng. Các máy bay của họ triển khai lên hàng không mẫu hạm là những mẫu mới nhất, hiện đại nhất với vũ khí "khủng" nhất.

Khả năng hiệp đồng tác chiến trong môi trường căng thẳng khi các tàu sân bay được đưa tới "điểm nóng" trên toàn thế giới giúp Mỹ trở thành một "thế lực" đáng gờm trên các đại dương.

Có thể nói, tàu sân bay chính là bộ mặt của Hải quân Mỹ. Nó thể hiện ưu thế vượt trội về năng lực quân sự của Washington so với đối thủ, cũng như là chỉ dấu rằng họ là nền quân sự lớn nhất thế giới.

Đức Hoàng

Theo 19fortyfive, Forbes, Business Insider, Popular Mechanics

24/07/2022

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/doi-tau-san-bay-at-chu-bai-giup-my-tranh-hung-khap-nam-chau-bon-be-20220724032501371.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/the-gioi/doi-tau-san-bay-at-chu-bai-giup-my-tranh-hung-khap-nam-chau-bon-be-20220724032501371.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đội tàu sân bay "át chủ bài" giúp Mỹ tranh hùng khắp năm châu bốn bể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO