Xúc động những tấm lòng đẹp trong cơn 'bão' dịch Covid 19

Ngân (t/h)| 07/04/2020 15:20

Việt BáoTrong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, những tấm lòng thơm thảo chính là điều đẹp đẽ nhất, lan tỏa nhất, góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch.

Cả nước đang ra sức chung tay chống dịch, từ các bác sĩ ở tuyến đầu ngày đêm túc trực, thăm khám, đến những tình nguyện viên đang phục vụ tại khu cách ly, hay các tổ chức, cơ quan, cá nhân ủng hộ, kêu gọi... Mùa dịch rồi sẽ qua, và những tấm lòng ở lại.

Từ các cụ già...

Tại Quảng Ninh, cụ bà Vũ Thị Sim, 103 tuổi, trú tại số nhà 40, tổ 1, khu Thủy Sơn, phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả) hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid – 19” của Thủ tướng Chính Phủ, cụ đã dành 1 triệu đồng, là tiền con cháu biếu tặng, nhờ người thân đưa đến tận trụ sở UBND phường Cẩm Sơn để ủng hộ.

Cùng với cụ là bà Nguyễn Thị Luyến 71 tuổi, trú tại tổ 5, khu Đông Sơn, phường Cẩm Sơn, cũng đến tận trụ sở phường trao số tiền 3 triệu đồng ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Theo bà chia sẻ, đây là số tiền bà gom góp thu nhặt giấy vụn, ve chai.

Tại Nghệ An, hành động của cụ Lê Thị Xuân (98 tuổi, trú ở tổ dân phố Tân Ngọc, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cũng vô cùng xúc động. Ngày 5/4 cụ đã mang 1 kg gạo và 50 quả trứng vịt mà gia đình tích góp được đến nhà văn hóa để ủng hộ. Được biết, cụ Xuân đang sống nhờ con nhờ cháu ở địa phương, mỗi tháng chỉ được hưởng chế độ 270.000 đồng dành cho người cao tuổi, hoàn cảnh cũng còn khó khăn.

Cụ Xuân đã ủng hộ 1kg gạo và 50 quả trứng vịt. (Ảnh: Infonet)

Đến những người trẻ...

Mùa dịch, nhiều người bị mất thu nhập, và ủng hộ bằng thực phẩm chính là biện pháp hiệu quả, cần thiết.

Người dân sắp hàng lấy lương thực được hỗ trợ (Ảnh: Pháp luật)

Tại TP.HCM, nhóm 5 tình nguyện viên do ông Nguyễn Minh Nghĩa là phó chủ nhiệm đang hoạt động thường xuyên, phát cơm từ thiện từ ngày 1/4 trên phố Lữ Gia, quận 11, TP.HCM.

Được biết, 100% kinh phí do nhóm vận động các đơn vị, mạnh thường quân trong và ngoài thành phố. Mỗi suất ăn có chi phí khoảng 50.000 đồng.

Thông thường, nhóm chuẩn bị xong các phần cơm lúc 9h sáng. Đối tượng được phục vụ là những người nghèo khó, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật, người bán vé số, không có công ăn việc làm trong mùa dịch Covid-19.

Nếu cảm thấy mệt mỏi, lo lắng trước thông tin, diễn biến dịch hàng ngày, hãy xốc lại tinh thần bằng việc đọc và sẻ chia sự yêu mến cùng những tấm lòng vàng này.

Các ý tưởng từ thiện hiệu quả

Chiến dịch "Cái thùng tốt bụng" được facebooker Mỹ Hằng, hiện sống ở quận 2 (TP.HCM) nghĩ ra. Sau lời kêu gọi khởi xướng chiến dịch "Cái thùng tốt bụng", nhiều bạn bè của chị Hằng ở nhiều quận trong thành phố và ở một số tỉnh thành khác cũng hưởng ứng làm theo.

Cách này rất đơn giản, bằng cách đặt một cái thùng tốt bụng trước cửa nhà cùng thông điệp "Ai cần cứ lấy. Ai góp thêm xin cứ tự nhiên", cùng những phần thực phẩm khô đóng gói, chưa chế biến như mì gói, gạo... người làm vẫn tuân thủ yêu cầu cách ly, không cần thông qua hội nhóm mà vẫn giúp được những người đang thiếu. Được biết, đến nay đã có 9 điểm đặt "Cái thùng tốt bụng" tại 7 quận trong thành phố.

Cũng tại TP.HCM, hôm nay, nhiều người dân vô cùng xúc động và yên tâm khi xuất hiện máy phát gạo tự động. Được biết, anh Hoàng Tuấn Anh - chủ một doanh nghiệp đã phát minh ra chiếc máy phát gạo tự động, hiện đặt 204B đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP.HCM).

Người dân xếp hàng chờ lấy gạo (Ảnh: Vietnamnet)

Chia sẻ với báo chí, anh Tuấn cho biết: “Ở Sài Gòn, rất nhiều nơi đang làm từ thiện, nhưng tôi thấy họ phát thủ công và tụ tập đông người rất dễ xảy ra việc lây lan dịch. Xuất phát từ mong muốn chung sức cùng cộng đồng, tôi đã tận dụng máy móc có sẵn của công ty để chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động 24/24h này”. Sau 2 ngày triển khai, anh Tuấn đã phát gần 2 tấn gạo đến với người nghèo.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xúc động những tấm lòng đẹp trong cơn 'bão' dịch Covid 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO