Minh Hòa, một tài xế Grab cho biết anh cảm thấy lo lắng khi thu nhập có chiều hướng giảm sút dù thời gian, công sức lao động bỏ ra nhiều hơn. Các chi phí, trong đó có giá xăng tăng lên khiến thu nhập cầm về chẳng còn đáng là bao. “Trừ tiền chiết khấu, chi phí xăng xe, ăn uống thì tiền về tay ngày càng ít. Cày mỗi ngày cũng chỉ thêm được vài cuốc thôi, trong khi sức người có hạn”, anh Hòa nói.
Thu nhập kém đi do biến động giá cả là vấn đề lớn của anh Hòa cũng như nhiều tài xế công nghệ. Xăng liên tục tăng giá khiến các tài xế công nghệ, giao đồ ăn phải đối mặt với những áp lực lớn. Trong khi chiết khấu (phần chi phí tài xế phải chia lại cho công ty phát triển ứng dụng) vẫn ở mức cố định, các chi phí khác tăng lên thì thu nhập của tài xế giảm đi trông thấy là điều không tránh khỏi.
Các tài xế công nghệ gặp áp lực lớn khi chi phí ngày càng tăng. |
T.Bảo, một tài xế ShopeeFood cùng đồng nghiệp của mình mới đây đã lên trụ sở công ty để yêu cầu được hỗ trợ chi phí khi giá xăng tăng. “Trung bình mỗi ngày chạy khoảng 30 đơn, từ 6h sáng tới 10h tối, tổng thu nhập hơn 400.000 đồng chưa kể các khoản phí, xăng xe. Số tiền còn lại chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, chúng tôi đề xuất tăng phí, hỗ trợ bù lên tiền xăng để có thêm thu nhập. Tiền xăng tăng quá cao trong khi phí ship quá thấp. Nếu chạy thế này thì không có thu nhập”, anh Bảo nói.
Trước bối cảnh giá xăng tăng cao gây áp lực lên giá vận tải nói chung, các hãng xe gọi xe công nghệ, giao đồ ăn đều phải điều chỉnh tăng giá cước hay có thêm giải pháp hỗ trợ tài xế.
Grab đã công bố điều chỉnh giá cước dịch vụ từ 10/3 với tất cả dịch vụ. Theo đó, Grab tăng giá cước tối thiểu của dịch vụ GrabCar thêm 2.000 đồng và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá cước tối thiểu của dịch vụ GrabBike tăng thêm 1.500 đồng và 300 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Tương tự, Baemin cũng tăng giá cước của dịch vụ giao đồ ăn từ 10/3. Giá cước tối thiểu của Baemin sẽ là 16.000 đồng cho 3 km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ đi chợ hộ có giá tối tiểu 21.000 đồng cho 3 km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo.
Grab và các hãng gọi xe phải điều chỉnh giá dịch vụ vì giá xăng tăng. |
Để đảm bảo nguồn thu nhập của tài xế, Gojek điều chỉnh giá cước từ 14/3. Cụ thể, cước phí tối thiểu cho 2 km đầu tiên của dịch vụ xe ôm công nghệ GoRide tại TP.HCM điều chỉnh lên 11.000 - 13.000 đồng và tăng từ 500 - 900 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá tối thiểu của dịch vụ GoFood tăng thêm 1.000 đồng so với trước đó. Tại Hà Nội, giá cước tối thiểu cho các chuyến xe GoRide tăng lên 13.000 đồng và tăng thêm mức 700 - 1.600 đồng cho mỗi km tiếp theo cho các chuyến xe từ 2 - 4 km. Các chuyến xe trên 4 km có mức tăng thêm 200 - 1.200 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Giá tối thiểu của dịch vụ giao đồ ăn GoFood tại Hà Nội cũng tăng thêm 1.000 đồng. Hiện giá cước hai dịch vụ GoCar và giao hàng GoSend vẫn giữ nguyên.
Be chưa điều chỉnh giá dịch vụ vì đã có một đợt điều chỉnh giá trước đó. Để hỗ trợ tài xế, ứng dụng này tung ra chương trình thưởng chuyến cho tài xế beCar. Gói thưởng điểm này được chia làm 5 mức, có giá trị từ 40.000 - 480.000 đồng.
ShopeeFood là ứng dụng có nền giá dịch vụ thấp nhất hiện nay. Tuy nhiên, hãng giao đồ ăn này chưa công bố kế hoạch tăng giá. Đổi lại, hãng tung ra một gói ưu đãi xăng dầu để hỗ trợ tài xế trong bối cảnh giá cả biến động. Gói ưu đãi của ShopeeFood gồm hoàn tiền 99% giá trị hóa đơn, tối đa 10.000 đồng /lần thanh toán cho tài xế tại các cửa hàng PVOil khi thanh toán qua Ví điện tử ShopeePay. Mỗi tài xế có thể được sử dụng tối đa 5 lần/tuần/tài xế. Điều kiện để được hưởng gói ưu đãi này đó là: các shipper ShopeeFood phải có phát sinh đơn hàng trên ứng dụng ShopeeFood Driver trong vòng 30 ngày gần nhất. Các mã ưu đãi sẽ được gửi đến tài khoản của tài xế đủ điều kiện.
Nhưng một số tài xế của ShopeeFood cho rằng khoản hỗ trợ này khó có thể bù đắp được các chi phí đang ngày càng tăng bởi mức cước tối thiểu khá thấp so với các ứng dụng khác.
Điều chỉnh giá cước có thể giúp các hãng gọi xe bù đắp một phần chi phí cho tài xế, nhưng nó cũng tác động đến khách hàng. “Tăng giá là phương án cuối cùng”, đại diện một ứng dụng bình luận. Theo phân tích, tăng giá cước dịch vụ có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu của các đối tác nói chung bởi khách hàng dè dặt hơn khi dùng ứng dụng.
Duy Vũ