Vũ khí Trung Quốc ‘ế ẩm’ do căng thẳng Mỹ-Trung

16/03/2021 07:33

Viện nghiên cứu Stockholm cho biết Mỹ dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí với 37% thị phần trong giai đoạn 2016-2020, trong khi Trung Quốc chiếm 5,2%.

Theo báo cáo mới, lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm trong 5 năm qua. Các chuyên gia cho rằng điều này là do căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, khiến một số nước láng giềng của Trung Quốc mua nhiều vũ khí Mỹ hơn.

Một số chuyên gia quân sự cho biết xu hướng này còn do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cố gắng mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí Mỹ, trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến nhìn nhận Trung Quốc là một mối đe dọa. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Vũ khí Trung Quốc ‘ế ẩm’ do căng thẳng Mỹ-Trung - 1

(Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ tiếp tục dẫn đầu cuộc đua xuất khẩu vũ khí với 37% thị phần cho giai đoạn 2016-2020, tăng 15% so với 2011-2015. Nga chiếm 20% thị phần nhưng đã giảm 22% do cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ ở hầu hết các khu vực.

Pháp và Đức lần lượt là các nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 và thứ 4, báo cáo cho biết.

Và nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 là Trung Quốc với doanh số chiếm 5,2% xuất khẩu vũ khí toàn cầu từ 2016-2020. Nhưng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong giai đoạn này đã giảm 7,8% so với 2011-2015.

Chuyên gia quân sự Song Zhongping tại Hong Kong cho rằng sự sụt giảm này là do chính quyền ông Trump cố gắng thúc đẩy các đồng minh trong khu vực mua vũ khí Mỹ, từ chối vũ khí Trung Quốc cũng như Nga. Mỹ thực hiện điều này bằng cách đưa ra “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong đó, báo cáo cho biết nhập khẩu vũ khí của Nhật Bản tăng 124% trong 5 năm qua. Bộ Quốc phòng Nhật Bản lên kế hoạch chi 240 tỷ USD từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2024 để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và không kích, chống lại sức mạnh trên không và trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.

Tháng 7/2020, Nhật Bản công bố kế hoạch mua 105 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 từ Mỹ với chi phí 23 tỷ USD.

Báo cáo cũng cho biết Đài Loan có một số đơn đặt hàng mua vũ khí lớn với Mỹ vào năm 2019, bao gồm cả máy bay chiến đấu. Dữ liệu hiện tại cho thấy số lượng nhập khẩu vũ khí của hòn đảo trong giai đoạn 2016-2020 thấp hơn 5 năm trước.

Tuy nhiên chuyên gia quân sự Chi Le-yi tại Đài Bắc cho biết khoản chi chưa tính đến 10 thỏa thuận lớn trị giá 18 tỷ USD từ chính quyền Trump, bao gồm các gói 66 máy bay chiến đấu F-16 nâng cấp, 400 tên lửa chống hạm Harpoon, 100 thiết bị vận chuyển, radar, hệ thống hỗ trợ và những thứ khác.

“Các vũ khí bán cho Đài Loan sẽ được chuyển giao trong những năm tới, vì vậy chúng không được tính trong báo cáo của SIPRI", Chi nói. “Căng thẳng đang diễn ra trong khu vực là thời điểm tốt để Mỹ bán vũ khí”.

Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ giảm 33% trong giai đoạn 2016-20 so với giai đoạn trước nhưng báo cáo cho biết sự sụt giảm chủ yếu là do các quy trình mua sắm kéo dài của nước này. Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trong 5 năm tới khi họ nhận thấy các mối đe dọa ngày càng tăng từ Pakistan và Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman của SIPRI cho biết trong báo cáo: “Đối với nhiều quốc gia châu Á và châu Đại Dương, nhận thức ngày càng tăng về Trung Quốc như một mối đe dọa, là động lực chính cho việc nhập khẩu vũ khí. Các hoạt động nhập khẩu lớn hơn được lên kế hoạch và một số nước trong khu vực đang hướng tới sản xuất vũ khí riêng".

Yogesh Gupta, cựu đại sứ Ấn Độ tại Đan Mạch và là chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ, nói thêm rằng Ấn Độ đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động nhập khẩu vũ khí của mình.

“(Quân đội Ấn Độ) chủ yếu nhận hàng từ Mỹ, Nga, Pháp và những nước khác. Xu hướng mới là tập trung vào phát triển ngành công nghiệp vũ khí bản địa của chúng tôi và khả năng trong các công nghệ mới nổi", ông nói.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vũ khí Trung Quốc ‘ế ẩm’ do căng thẳng Mỹ-Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO