Mặt trận mới trong cuộc đối đầu giữa 2 'ông lớn' châu Á

07/12/2020 16:12

Trong khi căng thẳng ở biên giới chưa hạ nhiệt, cuộc đối đầu giữa 2 nước láng giềng Trung - Ấn tiếp tục leo thang liên quan tới một "mặt trận" mới - nguồn nước.

Mặt trận mới trong cuộc đối đầu giữa 2 ông lớn châu Á - 1

Trung Quốc tính xây dựng trên sông Yarlung Zangbo công trình thủy điện có thể sản xuất lượng điện lớn gấp 3 đập Tam Hiệp (Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã)

Theo SCMP, quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã leo thang chưa có hồi kết trong những tháng qua liên quan tới căng thẳng ở khu vực tranh chấp chủ quyền tại Himalaya. Tuy nhiên, hai quốc gia tỷ dân được xem chuẩn bị bước vào một cuộc cạnh tranh mới liên quan tới một trong những con sông lớn nhất thế giới, sông Brahmaputra theo cách gọi của Ấn Độ và Trung Quốc gọi là Yarlung Zangbo.
Cuối tháng trước, Trung Quốc tuyên bố ý định xây công trình mà có thể trở thành dự án thủy điện lớn nhất của nước này. Dự kiến, công trình này có thể sản xuất lượng điện gấp 3 lần Tam Hiệp, công trình thủy điện lớn nhất thế giới hiện tại.
Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc Yan Zhiyong cho hay, dự án thủy điện mới có thể sản sinh 70 triệu kWh, và "chưa từng có trong lịch sử".
Tuy Trung Quốc chưa thông báo vị trí chính xác để xây dựng công trình, Bắc Kinh được cho đang để mắt tới khu vực con sông chuyển hướng ngoặt về phía nam để đi vào bang Arunachal Pradesh ở đông bắc Ấn Độ.
Nhiều ý kiến tại Ấn Độ lo ngại về tác động của dự án thủy điện quy mô lớn mà Trung Quốc tính xây tới an ninh nguồn nước và lương thực. Giới quan sát Ấn Độ cũng lo rằng Trung Quốc có thể "vũ khí hóa" nguồn nước để tác động tới các khu vực trung lưu và hạ lưu, nơi người Ấn Độ sinh sống, theo SCMP.
Hai ngày sau thông báo của Trung Quốc, Ấn Độ tuyên bố họ cũng sẽ cân nhắc xây dự án thủy điện quy mô lớn trên Brahmaputra để "giảm thiểu tác động tiêu cực của các dự án đập của Trung Quốc".
Mặt trận mới trong cuộc đối đầu giữa 2 ông lớn châu Á - 2
Ngư dân đánh cá trên sông Brahmaputra ở Ấn Độ (Ảnh: AFP)
Quan ngại của Ấn Độ
Giới chuyên gia cảnh báo "cuộc chiến" dòng nước giữa 2 cường quốc châu Á có thể vượt ngoài tầm kiểm soát và không chỉ gây ra tác động tiêu cực tới 2 nước, mà còn ảnh hưởng tới Bangladesh - quốc gia mà con sông chảy qua trước khi đi vào Vịnh Bengal.
Chuyên gia B.R. Deepak tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cảnh báo, việc 2 nước giữ kín thông tin về các dự án thủy điện, cùng với các căng thẳng biên giới ở Himalaya, có thể làm tình hình thêm đáng báo động.
Theo chuyên gia Sayanangshu Modak tại tổ chức Quỹ Nghiên cứu Quan sát (Ấn Độ), New Delhi lo ngại sâu sắc nếu Trung Quốc tiếp tục dự án xây thủy điện.
"Khu vực này (ở Ấn Độ) có lịch sử về tuyết lở và lở đất và cũng là khu vực dễ xảy ra rủi ro vì nó đang có hoạt động kiến tạo. Nếu có một tai nạn như vỡ đập xảy ra, nó sẽ gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Nhưng Trung Quốc sẽ không hề hấn vì vụ vỡ đập sẽ chỉ tác động tới Ấn Độ ở hạ nguồn", ông Modak cho hay.
Chuyên gia trên cảnh báo với việc Trung Quốc điều khiển dòng chảy con sông, Bắc Kinh có thể "gây ra lũ lụt ở hạ nguồn" bằng cách bất ngờ xả nước từ hồ chứa. Ngoài ra, giới quan sát quan ngại Trung Quốc có thể kiểm soát chuỗi cung ứng lương thực của quốc gia láng giềng khi nắm quyền kiểm soát đầu nguồn, vì sông Brahmaputra có thể giúp Ấn Độ trong việc điều tiết hoạt động nông nghiệp ở phía đông bắc nước này.
Ông Modak còn cảnh báo, việc xây đập có thể làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái ở khu vực hạ nguồn tại Ấn Độ. Thông thường, với những dự án quy mô lớn, các quốc gia có quyền lợi trên con sông sẽ cần phải bàn bạc chi tiết và lên kế hoạch chia sẻ nguồn nước. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều chưa ký bất cứ thỏa thuận chia sẻ nguồn nước nào với nhau.
Quan hệ căng thẳng giữa 2 nước ở Himalaya dẫn tới sự mất niềm tin lẫn nhau ở 2 bên. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ có cơ sở để tin rằng Trung Quốc có thể dùng nguồn nước là công cụ chiến đấu nếu kịch bản xung đột giữa 2 nước nổ ra trong tương lai.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mặt trận mới trong cuộc đối đầu giữa 2 'ông lớn' châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO