Tái hiện Tết Gơ rơ của đồng bào dân tộc Khơ Mú tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội)
Với đồng bào dân tộc Khơ Mú, rượu cần là thứ quan trọng để thể hiện năm vừa qua gia chủ có làm ăn phát đạt hay không. Vì thế mà vào những ngày cuối tháng 11 Âm lịch hằng năm, các mẹ, các chị trong bản làng lại tất bật chuẩn bị vò rượu cần để đón Tết. Cùng với ý nghĩa này, thì mỗi một vò rượu còn là cách mà người Khơ Mú thể hiện lòng hiếu khách, nên mỗi gia đình dù khó khăn đến đâu cũng đều háo hức chuẩn bị từ 5 – 7 vò rượu, để tiếp đón khách tới chơi nhà trong ngày đầu năm.
Lễ vật của người Khơ Mú trong ngày Tết nhất định phải có đủ một cặp gà gồm cả con trống và mái, một vò rượu cúng thần, một đĩa trầu cau. Nếu thiếu đi những một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày Tết Gơ rơ.
Mâm cơm cúng tổ tiên tưởng như có phần đơn giản nhưng lại cực kỳ chu đáo. Ngoài moọc là món ăn truyền thống không thể thiếu thì nhất định phải có thêm bí đỏ và sắn đã được đồ lên. Người Khơ Mú kể rằng, đây chính là món ăn tượng trưng cho sự no đủ và may mắn trong cả một năm mới. Nhiều năm gần đây, mâm cơm cúng ngày Tết còn có thêm cả cá nướng, thịt lợn và nhiều thực phẩm khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Điều lạ là mỗi nhà đều có thể tự chọn một ngày làm lễ cúng mừng năm mới nhưng nhất nhất phải là những ngày cuối tháng 11 Âm lịch hằng năm.
Dù rằng thời gian tổ chức Tết Gơ Rơ chỉ kéo dài trong một buổi hoặc một ngày tùy vào số rượu cần mà gia chủ chuẩn bị được nhưng đây lại là ngày lễ quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa của đồng bào Khơ Mú. Bởi thông qua đó con cháu nhớ ơn ông bà, tổ tiên và thần linh núi rừng.
Mâm cơm truyền thống trong Tết của người Khơ Mú
Khi tổ chức, cả gia đình sẽ cùng mang rượu cần và gà sống lên căn bếp thiêng – nơi Thần Lửa cai trị và là nơi tổ tiên người Khơ Mú trở về. Người đàn ông có vị trí quan trọng trong nhà sẽ thực hiện nghi thức rót rượu cần đầu tiên để dâng lên thần linh. Khi dâng rượu phải thật thành tâm thì thần linh mới mang đến cho người Khơ Mú một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi dâng rượu, cặp gà sống được chuẩn bị từ trước đó sẽ là linh vật dâng thần linh. Máu của cặp gà này sẽ được phết lên đầu gối của mọi người. Vừa phết họ vừa chúc nhau một năm mới thật nhiều sức khỏe.
Ông Lữ Văn Quang, Trưởng bản Xạp Kha, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An giải thích với chúng tôi rằng: “Việc cắt mỏ gà trong Tết Gơ Rơ rồi lấy máu phết lên đầu gối của tất cả thành viên trong gia đình là để xua đuổi tà khí, xóa tan bệnh tật. Sau khi làm xong nghi thức ấy, mọi người mới đem gà đi làm thịt để chuẩn bị cho phần lễ tiếp theo. Lúc này, những già làng được ông mời đến ngồi xúm lại quanh chum rượu cần vừa uống, vừa chúc gia chủ một năm mới tốt lành”.
Khi cả gia đình ngồi xum vầy quanh mâm cơm Tết, người chủ lễ sẽ lấy một chút thức ăn bỏ vào lòng bàn tay và đưa lên trán cho con cháu, hết lượt con cháu lại làm cho bố mẹ để tỏ lòng thành kính, biết ơn. Người Khơ Mú làm vậy để bảo ban con cháu phải biết quý trọng những thực phẩm do mình bỏ công sức làm ra, không bao giờ được phí phạm. Sau giây phút ấy thì năm mới chính thức bắt đầu với mỗi gia đình người Khơ Mú.
Ngày hôm nay với hơn 70 nghìn người, dân tộc Khơ Mú sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hoá... Dù địa bàn sinh sống phân bố rộng khắp, thế nhưng Tết Gơ Rơ luôn được các bản làng Khơ Mú thành kinh duy trì và phát triển. Cùng với đó, đây cũng là dịp để đồng bào, những người trong gia đình, họ hàng bản làng một năm đi làm ăn xa có dịp gặp gỡ nhau, vui chơi thỏa thích, thắt chặt tình đoàn kết để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.