Chính vì vẻ đẹp tự nhiên pha chút kì bí nên du khách về Sầm Sơn tham quan đều muốn lên núi Trường Lệ chụp ảnh lưu niệm bên hòn Trống Mái. Ảnh: Hoàng Đông.
Lễ hội Tình yêu Hòn Trống Mái - Sầm Sơn năm 2023 sẽ chính thức diễn ra vào tối 9/4 tại Quảng trường Tình yêu - Hòn Trống Mái, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn).
Điểm nhấn tại Lễ hội tình yêu - Hòn Trống Mái Sầm Sơn năm 2023 chính là đường hoa với chiều dài khoảng 1 km. Việc trang trí cho tuyến đường đã được hoàn thành với nhiều loại hoa được bố trí theo từng khu vực.
Lễ hội Tình yêu Hòn Trống Mái là sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng của TP Sầm Sơn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019. Đến nay, lễ hội được duy trì tổ chức vào tháng 4 hàng năm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, truyền thuyết danh thắng Hòn Trống Mái đến người dân trong và ngoài tỉnh; giáo dục tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình bền chặt gắn liền với các truyền thuyết, danh thắng và được lưu truyền trong dân gian.
Thông qua lễ hội còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch TP Sầm Sơn nói chung và khu danh thắng Hòn Trống Mái nói riêng, tạo sức hấp dẫn đối với du khách khi về với Sầm Sơn, góp phần xây dựng Sầm Sơn sớm trở thành thành phố lễ hội.
Cũng trong khuôn khổ lễ hội, tại đây sẽ diễn ra một số hoạt động gồm: Triển lãm hoa, cây cảnh (từ ngày 5 đến 9/4); Ngày hội thanh niên với trò chơi dân gian, khiêu vũ (ngày 8/4); Liên hoan dân vũ thể thao (ngày 9/4); Hội thao gia đình năm 2023 (ngày 8 và 9/4) do TP Sầm Sơn tổ chức.
Hòn Trống Mái là danh thắng thuộc Cụm Di tích lịch sử văn hoá danh thắng Quốc gia Núi Trường Lệ, TP Sầm Sơn. Hàng năm, có hàng nghìn du khách đến đây tham quan, vãn cảnh, nhất là từ khi TP Sầm Sơn tổ chức Lễ hội Tình yêu Hòn Trống Mái, đây được xem là một sản phẩm du lịch mới, độc đáo mà địa phương muốn mang đến cho du khách.
Từ trung tâm TP Thanh Hóa, du khách chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển là đã đến được với nơi đây. Hòn Trống Mái nặng hàng chục tấn nằm chênh vênh trên đỉnh dãy núi Trường Lệ. Mặt trước nhìn ra biển và phía sau lưng là thành phố biển Sầm Sơn hiện đại.
Ở Hòn Trống Mái có ba tảng đá xếp chồng lên nhau, một hòn có đầu nhọn nằm chồng lên trên tảng đá đế giống như hình dáng con gà trống, hòn đối diện thì nhỏ hơn có dáng tựa con gà mái nên được dân gian đặt tên là hòn Trống Mái.