Hằng năm, cứ vào ngày Thìn đến ngày Thân của tháng 6 âm lịch tức là thời điểm lúa bắt đầu trổ bông, người Hà Nhì đen lại làm lễ cầu mùa với mong muốn thần linh phù hộ cho mùa màng bội thu. Lễ hội thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần rừng, thần nước, thần đất và thần tình duyên của cộng động người dân tộc tại đây.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ khấn tế thần linh. (Ảnh:Dantocmiennui)
Lễ hội cầu mùa của người dân tộc Hà Nhì gồm phần lễ độc đáo và phần hội với các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa của người dân tộc vùng cao. Ngày đầu tiên của lễ hội vào ngày Thìn (ngày con rồng) là ngày làm nghi lễ lợp lại mái lán thờ. Đồng bào người Hà Nhì sẽ cùng nhau lên rừng cắt cỏ gianh về lợp lại mái lán thờ, dọn cây cỏ, vệ sinh lán thờ sạch sẽ.
Ngày thứ hai là ngày diễn ra nghi lễ quan trọng nhất – mổ trâu hiến tế thần linh. Theo quan niệm của người Hà Nhì, con trâu mổ trong ngày này đã được chọn kỹ lưỡng trước 1 tháng diễn ra lễ hội. Trâu được chọn phải là trâu đực mới lớn, khỏe mạnh và được chăm sóc cẩn thận cho đến ngày làm lễ. Hai thanh niên được dân làng cử đi chọn trâu phải là người khỏe mạnh, gia đình mẫu mực, được dân làng nể trọng. Ngoài ra, gia đình những này không có ai chết vì tự tử, chết vì sét đánh và trong năm không có tang.
Mâm lễ vật để cúng thần linh. (Ảnh:Dantocmiennui)
Sau nghi thức mổ trâu, chỗ ngon nhất là đầu trâu và dẻ sườn sẽ được giữ lại để cúng tế thần linh chung cho cả làng. Phần thịt trâu còn lại sẽ được chia đều cho các gia đình trong làng về làm cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên bảo vệ gia đình, bảo vệ con cháu có cuộc sống tốt hơn. Mỗi gia đình tham gia buổi lễ sẽ lập một mâm lễ vật gồm thịt trâu, rượu và các sản vật làm được của gia đình như: thịt lợn, thị gà, trứng, lạc, đỗ tương, bí, dưa chuột… rước từ nhà ra rừng góp với làng, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến các đấng thần lình đã che chở cuộc sống, phù hộ cho dân làng.
Mục đích của nghi lễ này là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản có cuộc sống ấm no. Đồng thời cũng là bày tỏ lòng biết ơn thần linh và cầu mong thần linh bảo vệ cho tất cả những người đến tham dự lễ hội, tham gia vào các trò chơi được an toàn. Sau lễ cũng, đồng bào dân tộc tại đây sẽ kiêng không chặt cây, cắt cỏ, băm chặt 3 ngày.
Đồng bào Hà Nhì trong các trò chơi truyền thống tại lễ hội. (Ảnh:Dantocmiennui)
Trong phần hội, có sự tham gia của dân bản và du khách đến tham quan hòa chung vào không khí tưng bừng, đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao của người Hà Nhì. Các trò chơi như đẩy gậy, đu quay, kéo co, nhảy bao bố. Trong lễ hội Khô già già, các chàng trai, cô gái Hà Nhì không chỉ đến tham gia lễ hội mà còn đến để kết bạn, tìm người yêu thương, bạn đời của mình.
Lễ hội Khô già già là một nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bảo dân tộc vùng núi gắn liền với đời sống và sản xuất nông nghiệp của con người nơi đây. Đây còn là một phần quan trọng trong cuộc sống tinh thần của người Hà Nhì. Năm 2014, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì.