Hội đình Chèm bắt đầu từ 14 - 16 tháng Năm (Âm lịch). Lý Ông Trọng là người Từ Liêm, quận Giao Chỉ, vóc dáng cao to lạ thường, giỏi giang. Ngài đã sang nước Tần, làm quan trấn thủ đất Lâm Thao, chống lại quân Hung Nô. Khi tuổi cao, Ngài xin về nước an hưởng tuổi già và mất tại làng Chèm, người dân nơi đây thờ phụng, coi Ngài là Thành hoàng, tin rằng Đức Thánh luôn phù hộ cho đất nước và dân làng.
Lễ rước nước bắt đầu bằng các nghi lễ tại đình Chèm, sau đó xuất phát từ đình rồi xuống thuyền ra giữa sông lấy nước. Nước rước ngày chính hội (14 âm lịch) dùng để thờ trong đình làng. Ngày rước nước lần thứ 2 về tắm cho Đức Thánh. Rước nước ngày 3 là thể hiện mong muốn cuộc sống no đủ.
Đặc biệt đội phù giá mặc quần chèo (giống như váy cuốn) được làm từ 2m vải điều, sau đó xếp lại quấn một vòng từ trái sang phải.
Trang phục quần chèo khá giống với kiểu "váy cuốn" của các phù giá kiệu.
Trong đoàn rước có 2 kiệu: Kiệu Đức Ông và kiệu Đức Bà. Đội phù giá khoảng 70 người là nam giới từ 18 đến 35 tuổi, có tư cách đạo đức tốt, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của làng.
Đặc biệt có hai phù giá nữ (đội nón quai thao) phải là người làng Chèm, lấy chồng ở làng, nhưng phải góa chồng, từ 60 tuổi trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, ngoại hình ưa nhìn. Hai phù giá nữ sẽ theo hầu kiệu của Đức Bà, làm lễ mộc dục cho Đức Bà, được ví như con gái của Đức Bà.
Chân dung hai người phù giá nữ cho kiệu Đức Bà trong lễ hội đình Chèm.
Đoàn rước đi theo thứ tự: Đội rồng và sư tử; cờ thần và cờ Tổ quốc; tổng cờ; đại hiệu; đồng văn; thủ hiệu; cờ lịch chiều; đội bát bửu; đội trắc tử; cờ lịch chiều; thủ hiệu; lư hương; đội bát bửu; thủ hiệu; bát âm; các em học sinh rước 3 gáo đồng, xô và vòng càn khôn; ba chĩnh nước; cờ lịch chiều; thủ hiệu; gươm hầu; kiệu Đức Ông; tế chủ; tế tự; hai gươm hầu trước kiệu Đức Bà; hai quạt cò; phù giá bà; tế tự...
Đoàn thuyền rước đi một vòng hết địa phận của ba làng Chèm, Hoàng Xá và Liên Mạc thì quay 3 vòng, đi chậm rồi dừng lại, thả vòng càn khôn bằng cây song để cụ Chủ tế dùng gáo đồng múc nước vào chóe, mỗi chóe 3 gáo, chóe nào dùng gáo của chóe đó. Sau khi múc xong, một phù giá dùng xô nhựa múc đầy xô và để cạnh ba chóe nước để rước về.
Lấy nước xong, đoàn thuyền rước quay trở về bến ngự. Khi về qua đình các thuyền phải quay đầu vào để lễ Đức Thánh, rồi trở về bãi tập kết.
Tại đây, một phù giá múc nước từ xô vào các chóe cho đầy, sau đó, mới rước về đình.
Trước khi tham gia bất cứ một nghi lễ nào đội phù giá cũng phải vào đình làm lễ. Khi làm lễ, ông tiểu hiệu sẽ hô hiệu lệnh để mọi người làm theo, đồng thời cũng tùy từng hoàn cảnh để hô cho đúng. Tiểu hiệu hô "khoan thanh", những người phù giá phải dùng quạt che miệng reo "ù chóe, ù chóe, ù chóe".
Về đến đình, chóe nước được rước vào hậu cung, rồi chuyển nước vào các chĩnh khác để ngày 15 sẽ dùng nước này làm lễ mộc dục. Tiếp đó, dân làng thực hiện các nghi lễ khác.
Các nghi thức tế lễ trong đình Chèm sau khi đã rước nước sông Hồng.