Tại làng Tùy Phong (xã Ngọc Đường, TP Hà Giang) những ngày cận Tết, người già, người trẻ cùng nhau làm bánh chưng gù. Tết ở Bản Tùy luôn đến sớm hơn mọi nơi trước cả tháng.
Bánh chưng gù được biết đến là đặc sản của Hà Giang với màu xanh của lá giềng, màu tím của gạo cẩm. Bánh không to và vuông như bánh chưng ở dưới xuôi mà nhỏ gọn, để vừa trong lòng bàn tay.
Gia đình bà Nguyễn Thị Dung là một trong những nhà làm bánh có quy mô lớn ở bản Tùy, làng Tùy Phong, Hà Giang. Bà Dung cho biết, mỗi ngày bà xuất xưởng hơn 1.000 chiếc, riêng những ngày cận Tết số lượng tăng lên khoảng 5.000-6.000 chiếc/ngày.
Ngày thường, cơ sở gói bánh chưng của bà Dung có khoảng chục người thợ làm bánh nhưng dịp cận Tết thì phải huy động nhận lực gấp 2 – 3 lần mới đủ đáp ứng đơn đặt hàng của khách.
Những ngày cận Tết, thợ làm bánh chưng bản Tùy hối hả làm việc. Người thì rửa lá, tách lá, người thì vớt bánh, người gói bánh, luộc bánh… Người thợ gói bánh chưng truyền thống ở Hà Giang không dùng khuôn hay máy tạo hình mà chỉ gói bánh bằng tay.
Chị Lan – một thợ làm bánh chưng lâu năm ở bản Tùy choa sẻ, người thợ chỉ mất khoảng 45 – 60 giây để gói xong một chiếc bánh chưng vì họ rất thạo nghề, biết gói bánh chưng gù từ lúc còn nhỏ xíu, nhìn cha mẹ gói bánh ngày Tết mà học theo.
Mỗi chiếc bánh ra lò, là cả một quá trình chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, cẩn thận, phải toàn tâm toàn ý mới có thể làm ra một chiếc bánh ngon. Để tạo màu cho bánh, người thợ phải thu gom lá giềng từ khắp nơi. Sau khi rửa sạch, lá giềng được xay vắt lấy nước để nhuộm gạo.
“Người Tày gói bánh chưng để nguyên gạo nếp trắng. Cách đây mấy chục năm tôi đã học được bí quyết nhuộm bánh bằng lá giềng. Bánh luộc chín có màu xanh trông đẹp mắt, thơm mùi lá dong quyện với lá giềng đăc trưng, ăn không bị ngấy” – bà Dung tâm sự.
Thịt lợn làm nhân bánh là loại nạc mông, vai và mỡ khổ, được chuyển thẳng từ lò mổ tới xưởng bánh vào sáng sớm; gạo nếp là gạo Khum được đặt mua ở Bắc Mê, cùng với các nguyên liệu khác như hạt tiêu, đỗ, lá dong…
Bánh sau khi gói, được bắc lên bếp củi đỏ lửa luộc liên tục từ 10 đến 12 tiếng. Do giá thịt lợn và các loại thực phẩm ngày cận Tết tăng giá, nên thời điểm này mỗi chiếc bánh chưng gù có giá khoảng 25.000 đồng.
Đại diện UBND xã Ngọc Đường cho biết, ban đầu bánh chưng gù chỉ được sản xuất chủ yếu phục vụ lễ, tết của bà con người Tày là chủ yếu. Đến nay, hơn 90% các hộ dân trong thôn đều làm bánh chưng, mỗi ngày các cơ sở sản xuất hàng nghìn chiếc bánh đưa đi các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí xuất sang cả Quảng Đông (Trung Quốc) và Australia./.