Doanh thu bảo hiểm nhân thọ sụt giảm mạnh 6 tháng đầu năm 2024

Tần Minh (tổng hợp)| 29/08/2024 10:23

Bức tranh bảo hiểm nhân thọ dường như vẫn chưa được sáng màu khi mà 6 tháng đầu năm 2024, nhiều tên tuổi lớn sụt giảm doanh thu hàng ngàn tỷ đồng trong bối cảnh chưa thể hồi phục sau khủng hoảng.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024, Cathay Life đạt doanh thu thuần từ mảng bảo hiểm gần 1.650 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Con số tăng trưởng cũng không là bao khi với áp lực của một loạt các chi phí, Cathay Life bị lỗ 245 tỷ đồng kinh doanh bảo hiểm.

Với FWD Việt Nam thuộc Tập đoàn đầu tư Pacific Century Group, nửa đầu năm 2024, công ty gặt hái gần 2.000 tỷ đồng doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm, giảm gần 23% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi hàng loạt chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi trả bồi thường, dự phòng..., doanh nghiệp bị lỗ hơn 340 tỷ đồng ở mảng chính bảo hiểm.

Bảo hiểm nhân thọ Sun Life cũng chưa thể sáng màu khi mà trong cùng thời điểm tương tự, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần từ mảng chính bảo hiểm gần 1.700 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp bị lỗ sau thuế hơn 360 tỷ đồng, lỗ sâu hơn mức cùng kỳ năm trước.

Là "ông lớn" trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, Manulife Việt Nam đạt doan thu thuần trong nửa đầu năm 2024 hơn 8.400 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.

doanh-thu-bao-hiem-nhan-tho-sut-giam-manh-6-thang-dau-nam-2024.jpg
Kinh doanh bảo hiểm không còn là bức tranh sáng màu. Ảnh minh họa: Internet.

Mức giảm mạnh nhất ghi nhận tại Generali khi khoản lãi sau thuế nửa đầu năm 2024 chỉ bằng khoảng 25% so với cùng kỳ, đạt 117 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chubb và AIA cùng giảm lãi khoảng 70%, xuống lần lượt 147 tỷ và 284 tỷ đồng. Ngay cả "ông lớn" Prudential cũng giảm lợi nhuận hơn 30%, còn 915 tỷ đồng, đứng sau Dai-ichi-life.

Trong bối cảnh doanh số giảm, đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư không còn dễ bán như trước, các hãng đều siết khoản chi hoa hồng và thưởng đại lý, giảm 40- 50% so với trước.

Loại hình bảo hiểm đầu tư hiện cũng đang được nhiều đại lý và nhân viên bảo hiểm chào mời, vô tình có thể được xem là "con dao hai lưỡi" cần sự trận trọng khi theo Thông tư số 67/2023/TT-BTC, bên bán bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung liên quan tới việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm tại thời điểm bên mua bảo hiểm ký Bản yêu cầu bảo hiểm.

Cùng với những quy định mới trong việc kinh doanh, thị trường bảo hiểm nhân thọ được nhận định sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn khi doanh nghiệp kinh doanh "ký thì dễ, nhưng bồi thường lại khó", mất đi giá trị của việc "bảo vệ hiểm nghèo" như chính thông điệp của bảo hiểm đưa ra.

Thậm chí có khách hàng cho biết, khi ký hợp đồng cung cấp bảo hiểm liên kết sức khỏe thẩm định dễ dàng, thậm chí không thẩm định, nhưng khi bồi thường thì nêu đủ lý do để từ chối.

Riêng với Cathay Life, các hợp đồng trước khi biên soạn đều mặc định chọn trên hệ thống, đôi lúc diễn giải còn chưa đủ ý, nếu không nói là có những câu từ chưa rõ định lượng, gây nhầm lẫn cho khách hàng, làm mất lòng tin người dùng vào sản phẩm.

Theo một lãnh đạo ngành bảo hiểm nhân thọ, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã phát triển nhanh và cần thanh lọc để đi đúng hướng.

"Xu hướng phát triển chung là tư vấn viên phải giỏi, chuyên nghiệp mới trụ được với nghề, chứ không còn xảy ra tình trạng "đi vào, đi ra liên tục" như trước", vị này cho biết.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Doanh thu bảo hiểm nhân thọ sụt giảm mạnh 6 tháng đầu năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO