Trong Công văn số 6435 và 6436 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp sau các cuộc làm việc với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ngày 12/10, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.
Thủ tướng yêu cầu ổn định thị trường xăng dầu
Ngày 19/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình. Trước đó, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp thông tin báo chí gửi Văn phòng Chính phủ phản ánh về việc, những ngày gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…
Văn Kiên
Về những bất cập của thị trường, Bộ Công Thương cho biết, đáng chú ý, tại một số địa phương, Chi cục Hải quan đã ngừng thông quan đối với một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu do chưa thực hiện việc kết nối dữ liệu điện tử, chậm nộp thuế… Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành, bảo đảm duy trì hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường.
Xuyên Việt Oil muốn nhập xăng dầu trị giá 2 tỷ USD
Theo thông tin của PV Tiền Phong, Cty TNHH Thương Mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) - doanh nghiệp (chiếm 40% thị phần xăng dầu ở TP HCM vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, lãnh đạo UBND TPHCM, Cục Thuế TP HCM, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên địa bàn TP HCM.
“Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho Xuyên Việt Oil được gia hạn, giãn nộp khoản thuế đang thiếu trong 6 tháng, đồng thời tạm gỡ bỏ các hình thức xử lý bằng biện pháp hành chính do nợ thuế để Cty được hoạt động liên tục, nhập khẩu xăng dầu. Cty kiến nghị Bộ Công Thương cho phép nhập sản lượng xăng dầu với giá trị khoảng 2 tỷ USD trong năm 2023”, đại diện Xuyên Việt Oil đề xuất.
“Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước. Các doanh nghiệp đề nghị được thông quan gồm: Cty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; Cty CP thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu; Cty TNHH Thuỷ bộ Hải Hà, Cty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp”, Bộ Công Thương đề xuất.
Tình trạng bán xăng dầu nhỏ giọt diễn ra thời gian gần đây ở nhiều tỉnh, thành phố. Ảnh: Nguyễn Bằng |
Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị 3 vấn đề liên quan chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương cũng đề nghị tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ cho 16 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Ước tính tổng toàn bộ nhu cầu về hạn mức tín dụng, vay vốn, mua ngoại tệ của 16 doanh nghiệp cần khoảng 27.000 tỷ đồng.
Công văn của Bộ Công Thương cũng tiết lộ vấn đề khó khăn tài chính rất lớn của những doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất thị trường như Petrolimex, Tổng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ, Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH Trung Linh Phát…