Theo dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp:
Thứ nhất, thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian một quý trở lên.
Thứ hai, thương nhân không thực hiện đủ tổng nguồn tối thiểu được Bộ Công Thương giao trong hai năm liên tiếp; thương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, thương nhân đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm và không khắc phục vi phạm trong thời gian một quý trở lên.
Thứ tư, thương nhân không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm và không khắc phục vi phạm trong thời gian một quý trở lên.
Thứ năm, thương nhân vi phạm quy định về việc thực hiện trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định, đã bị xử phạt vi phạm hành chính và không khắc phục vi phạm trong thời gian một quý trở lên.
Thứ sáu, thương nhân vi phạm nhiều lần quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường tại Nghị định này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thương nhân bị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý về các hành vi vi phạm chất lượng, mua bán xăng dầu không có nguồn gốc xuất xứ, Bộ Công Thương có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối.
Bộ Công Thương cũng có thẩm quyền thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu khi thương nhân không tiếp tục làm thương nhân phân phối xăng dầu nếu:
Thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian một tháng trở lên.
Thhương nhân bị phá sản theo quy định của pháp luật.
Thương nhân không đáp ứng một trong các điều kiện theo quy định đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm và không khắc phục vi phạm trong thời gian một tháng trở lên.
Thương nhân không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định, đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm và không khắc phục vi phạm trong thời gian một tháng trở lên.
Thương nhân vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm quy định về bảo đảm số lượng, chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, vi phạm quy định về tăng, giảm giá bán xăng dầu và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
"Bộ Công Thương có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu của thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trong trường hợp thương nhân bị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý về các hành vi vi phạm chất lượng, mua bán xăng dầu không có nguồn gốc xuất xứ", dự thảo nêu.
2 trường hợp dừng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu
Bộ Công Thương đề xuất sẽ dừng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu khi các yếu tố cấu thành giá định hướng xăng, dầu kỳ công bố tăng trên 7% so với giá định hướng công bố kỳ trước liền kề.
Ngoài ra, trường hợp tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (số ước tính) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ở mức lớn hơn hoặc bằng 7.000 tỷ đồng, Bộ Công Thương cũng xem xét dừng trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.