Doanh nghiệp vận tải bắt đầu tăng giá cước

Công Hiếu - Hoàng Thọ - Mộc Trà| 16/03/2022 18:29

Sau nhiều lần giá xăng dầu tăng liên tiếp, các doanh nghiệp vận tải bắt đầu tăng giá cước để bù lỗ.

Sau đợt tăng giá xăng dầu ngày 11/3, cuối cùng hãng xe Sao Việt (Hà Nội) cũng quyết định tăng giá cước vận tải. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe này nói: “Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40% tổng chi phí vận tải nên khi giá xăng tăng lên gần 30.000 đồng/lít mà không điều chỉnh giá vé thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, thậm chí sẽ phá sản nếu kéo dài”.

Ông Bằng cho biết đã làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng về việc điều chỉnh tăng thêm 50.000 đồng/vé so với giá cũ. Giá vé mới xe Sao Việt chặng Hà Nội - Lào Cai theo sẽ tăng từ 230.000 - 280.000 đồng.

"Hành khách có thể kêu ca khi giá vé tăng, nhưng chúng tôi mong mọi người chia sẻ. Các đơn vị vận tải đang lỗ chồng lỗ, hoạt động cầm cự chứ không có lợi nhuận", ông Bằng nói.

Doanh nghiệp vận tải bắt đầu tăng giá cước - 1

Hãng xe Sao Việt bắt đầu điều chỉnh tăng giá vé.

Hiện hãng Sao Việt vận hành khoảng 30% số lượng xe hiện có do ảnh hưởng dịch bệnh, xe còn nằm bãi nhiều ngày. Gần đây, dịch bệnh bùng phát mạnh nên lượng khách đi lại càng giảm, chỉ chiếm 30% công suất xe. Nhiều chuyến do quá vắng khách đã phải cắt để dồn chuyến, dồn khách. Công ty càng chạy càng lỗ, giờ lại thêm giá xăng dầu tăng khiến hoạt động vận tải lúc này rất khó khăn.

Tương tự, kể từ hôm nay 16/3, nhà xe Văn Minh cũng tăng giá cước tuyến Hà Nội - Vinh từ 260.000 lên 280.000 đồng/vé xe thường. Còn giá vé xe VIP tăng từ 410.000 đồng lên 440.000 đồng.

Ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh, chủ thương hiệu xe Văn Minh cho biết, hiện nhà xe này có khoảng 50% xe đang hoạt động. Vắng khách kèm giá xăng dầu tăng cao buộc nhà xe phải tăng giá cước.

Theo khảo sát của phóng viên VTC News, nhiều hãng taxi hiện cũng tăng giá cước khoảng 1.000 - 2.000 đồng mỗi km, tương đương mức tăng 10-15%. Dù tăng giá cước nhưng những tài xế taxi cho biết vẫn rất khó khăn.

Anh Ngô Văn Khánh, lái taxi 4 chỗ hãng Thanh Nga nói: “Cách đây khoảng chục ngày giá cước đã tăng 1.000 đồng, từ 11.500 - 12.500 đồng/km. Nhưng điều này cũng chẳng giúp ích được gì khi mà khách rất vắng. Cả ngày hôm qua tôi chạy được 180.000 đồng thì hết 140.000 tiền xăng, còn lại 40.000 đồng ăn được đúng một bữa trưa là hết sạch”.

Một tài xế taxi khác thuộc hãng Taxi Group cho biết, cách đây khoảng hãng này cũng tăng giá cước 1.000 đồng mỗi km đối với xe 4 chỗ. Thế nhưng mức tăng này là không đáng kể, theo tài xế này ít ra phải tăng 4.000 - 5.000 đồng mỗi km thì mới bù được tiền xăng.

Doanh nghiệp vận tải bắt đầu tăng giá cước - 2

Nhiều hãng taxi cũng tăng giá cước.

Nhiều hãng taxi khác cũng tăng giá cước trước thời điểm xăng lên đỉnh cao kỷ lục gần 30.000 đồng/lít hôm 11/3.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp vận tải đã cạn kiệt nguồn lực, nhiều đơn vị phá sản, phải đi vay để duy trì hoạt động. Thêm vào đó là việc xăng dầu tăng giá càng khiến doanh nghiệp thua lỗ, lái xe mất thu nhập.

Trước đó, hãng xe công nghệ Grab cũng đã thông báo tăng cước tất cả các dịch vụ từ 10/3 để hỗ trợ tài xế khi giá xăng lên cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP.HCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với hiện tại. Mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này cũng lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar tăng 2.000-2.500 đồng cho 2km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.

Trong khi đó, Ứng dụng Be cho biết họ sẽ không tăng giá tất cả các sản phẩm, dịch vụ nhưng đồng thời họ cũng giảm chiết khấu (lên đến 10%) cho các tài xế beCar thân thiết để phần nào giúp tiếp tục đảm bảo đời sống cũng như chia sẻ khó khăn với tài xế trong giai đoạn phục hồi kinh tế, chi phí tăng cao như hiện nay.

Trong khi đó, trả lời VTC News chiều 16/3, ông Đỗ Phú Đạt - Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 30/153 đơn vị vận tải đang hoạt động ở bến xe nộp này hồ sơ xin tăng vé.

Theo ông Đạt, trong hoạt động vận tải hành khách thì giá xăng dầu chiếm khoảng 20 - 30% cơ cấu giá vé. Từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu liên tục tăng khoảng 6%, trong khi đó, lượng hành khách giảm khoảng 40% - 50% so với cùng thời điểm các năm trước dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nên buộc phải điều chỉnh giá vé.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng đã gửi kê khai điều chỉnh tăng giá vé đến cơ quan chức năng. Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây cho hay, sau khi các doanh nghiệp kê khai điều chỉnh giá vé, đơn vị sẽ gửi đến Sở GTVT các tỉnh, thành khi được chấp nhận thì nhà xe mới được tăng giá và niêm yết ở các quầy bán vé.

Việc xin tăng giá cước khiến nhiều doanh nghiệp "đau đầu", bởi phải cân nhắc giữa một bên là bù đắp nguồn thu trước cơn bão tăng giá nhiên liệu, một bên lo ngại khi tăng giá vé sẽ mất khách. Vì thế, một số doanh nghiệp đang "bấm bụng" cầm cự ở mức giá cước cũ.

Doanh nghiệp vận tải bắt đầu tăng giá cước - 3

Bến xe Miền Đông đìu hiu, vắng khách.

Ông Mai Tiến, đại diện nhà xe Hoa Mai chạy tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu cho biết, xăng dầu tăng giá quá cao, trong khi lượng khách giảm sút khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Hiện tại mỗi chuyến xe xuất bến có chưa đến 50% khách, trong khi xăng dầu tăng cao, nếu giữ giá vé như cũ, doanh nghiệp lỗ nặng”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, khách ít nhưng nhà xe vẫn duy trì giá cũ nên lợi nhuận bằng không. Do đó, thời gian qua doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng nhưng vẫn phải bỏ tiền túi ra bù lỗ. “Tăng giá cước thì mất khách, không tăng thì lỗ vốn. Giờ tôi chỉ hy vọng giá xăng giảm xuống để doanh nghiệp dễ thở hơn”, ông Tiến lo lắng.

Doanh nghiệp vận tải bắt đầu tăng giá cước - 4

Nhiều doanh nghiệp vận tải điêu đứng khi giá xăng tăng kèm theo lượng khách ít.

Ông Tiến cho biết thêm, 2 tuần qua, giá xăng tăng cao khiến ông đứng ngồi không yên. Chỉ trong thời gian ngắn, ông Tiến phải bán 2 chiếc xe khách để trả nợ ngân hàng và bù lỗ.

Giá xăng tăng cao khiến chi phí của nhiều nhà xe chạy đường dài tăng gấp đôi. Ông Nguyễn Đắc Cường, lái xe chạy tuyến TP.HCM - Hải Dương cho biết, ngày thường chi phí để mỗi lần xuất bến mất 20 triệu đồng, bây giờ tăng lên 40 triệu đồng.

Ông Cường cho hay, việc điều chỉnh giá cước chỉ là vấn đề thời gian để giảm lỗ, tuy nhiên điều chỉnh như thế nào để giữ sự ổn định, duy trì được sự cạnh tranh là bài toán khó. Hiện nay, lượng khách đi xe ô tô ngày càng giảm, trong khi đó cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xe khách đang rất khốc liệt nên tăng giá vé thì sẽ mất khách.

“Trong thời gian tới, nếu giá xăng dầu không giảm thì buộc chúng tôi phải điều chỉnh giá cước để giảm lỗ. Tuy nhiên, tăng giá chỉ áp dụng trên các hợp đồng ký mới, đối với hợp đồng dài hạn đã ký thì việc tăng giá phải phụ thuộc vào đơn vị đối tác”, ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, trung bình nhà xe chỉ duy trì 2 ngày/tuyến, mặc dù nhà xe tăng mức giá từ 800.000 đồng/vé lên 980.000 đồng/vé nhưng vẫn không thể bù lỗ, doanh nghiệp chỉ cố gắng cầm cự để duy trì tuyến và mong muốn được điều chỉnh tăng mức giá.

Công Hiếu - Hoàng Thọ - Mộc Trà
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp vận tải bắt đầu tăng giá cước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO