Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 12/7, Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) vừa có thông báo yêu cầu các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) tổ chức hoạt động theo hình thức sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ.
Theo Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố, ngoài việc khẩn trương thực hiện nội dung “3 tại chỗ,” doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn cho người lao động bên trong nhà máy tại Khu chế xuất Tân Thuận, hoặc thuê chỗ ở tập trung (khách sạn, ký túc xá...) bên ngoài khu chế xuất và doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tổ chức quản lý chặt chẽ đưa đón người lao động bằng phương tiện đưa đón, không để người lao động tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân; đối với ôtô đưa đón lãnh đạo, chuyên gia của doanh nghiệp chỉ được phép ra vào Khu chế xuất Tân Thuận khi có gắn phù hiệu do Ban Chỉ huy thống nhất phòng chống dịch COVID-19 của quận 7 cấp và chính thức áp dụng từ 0 giờ ngày 13/7/2021.
Tương tự, đối với các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận đã đăng ký với Ban Quản lý “vừa sản xuất, vừa lưu trú tại chỗ” sẽ tiếp tục hoạt động, nhưng phải thực hiện theo kế hoạch đăng ký. Bảo đảm kiểm soát không cho người ra vào doanh nghiệp, ngoại trừ những trường hợp cấp bách như cấp cứu...
Riêng các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tạm ngưng hoạt động khi có ca nghi nhiễm COVID 19 theo yêu cầu của Ban Chỉ huy thống nhất quận 7 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch; phải tạm ngưng sản xuất để đảm bảo việc kiểm soát an toàn phòng dịch.
Doanh nghiệp chỉ được sản xuất trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng chống dịch theo quy định tại Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của Bộ Y tế.
Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố cũng quy định, các hoạt động xuất, nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa của các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tạm ngưng hoạt động khi có ca nghi nhiễm COVID 19 theo yêu cầu của quận 7 được phép thực hiện với số lượng nhân sự thực hiện việc này không quá 5 người và phải đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định.
Giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Khu chế xuất Tân Thuận trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16; danh sách phương tiện ôtô (số xe) đưa đón lãnh đạo, chuyên gia của các doanh nghiệp để Ban Chỉ huy thống nhất quận 7 cấp phù hiệu cho phương tiện.
Theo ông Phan Thanh Trực, Phó Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố, dịch bệnh COVID 19 tại Khu chế xuất Tân Thuận có diễn biến phức tạp; đặc biệt, theo khuyến cáo của các chuyên gia của Tổ công tác Chính phủ trên cơ sở phân tích số liệu kết quả lấy mẫu xét nghiệm COVID 19 tại đây thì tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao nếu không kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp và người lao động trong khu vực này.
Khu chế xuất Tân Thuận hiện có 250 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 60.000 công nhân lao động. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên, 31 doanh nghiệp trong Khu chế xuất đã tạm ngừng hoạt động để phòng dịch, trong đó có 2 doanh nghiệp tự đề xuất và 29 doanh nghiệp do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận 7 đề nghị tạm ngừng hoạt động từ ngày 10/7 vừa qua.
Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố, tính từ ngày dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến ngày Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội đã ghi nhận hơn 800 ca nhiễm COVID-19 ở 38 doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp nhiều nhất có 236 ca dương tính với virus SARS-CoV-2./.