Doanh nghiệp thép đua nhau báo lỗ, hàng nghìn tỷ đồng 'đắp chiếu' trong kho

28/10/2022 10:15

Hàng làm ra bán không được, tồn kho chất đống khiến doanh nghiệp ngành thép lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề, nợ vay tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, chấm dứt hợp đồng với công nhân.

Thua lỗ nặng nề

Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSteel (mã chứng khoán TDS) thua lỗ nặng nề trong quý III/2022. Cụ thể, Thép Thủ Đức - VNSteel ghi nhận doanh thu thuần hơn 410 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay tăng gấp 4 lần cùng kỳ nên chịu lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ hơn 640 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ nhiều nhất của Thép Thủ Đức - VNSteel kể từ khi cổ phần hoá vào năm 2008.

12-9823.jpeg
Hàng loạt doanh nghiệp ngành thép báo lỗ trong quý III/2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thép Thủ Đức đạt hơn 1.500 tỷ đồng (giảm 8,3% so với cùng kỳ), lỗ ròng gần 16 tỷ đồng. Năm 2022, doanh nghiệp này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 24 tỷ đồng.

Tương tự, trong giai đoạn từ tháng 7-9/2022, Công ty CP Thép Vicasa - Vnsteel (mã chứng khoán (VCA) đạt doanh thu hơn 477 tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ). Cộng thêm khoản lỗ khác gần 700 triệu đồng, Thép Vicasa - Vnsteel báo lỗ trước thuế gần 24 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế gần 2 tỷ đồng. Đây cũng là mức thua lỗ kỷ lục theo quý của Thép Vicasa - Vnsteel kể từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2010.

Tính đến hết tháng 9, vốn chủ sở hữu của Thép Vicasa - Vnsteel giảm 25%, còn 178 tỷ đồng. Hồi đầu năm, lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối là 53 tỷ đồng nhưng tại 30/9, đã chuyển sang âm hơn 9 tỷ đồng.

Trong quý III năm nay, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên (TISCO, mã chứng khoán TIS) ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.600 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 10 tỷ đồng. Nếu không tính tới khoản thu nhập khác, công ty này đã lỗ hơn 38 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thép.

Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán TLH) ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại giảm 65% so với cùng kỳ, xuống 57 tỷ đồng. Nếu cùng kỳ 100 đồng doanh thu mang lại 17,7 đồng lãi gộp thì trong quý III con số này chỉ còn gần 5 đồng.

13-1892.jpeg
Hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp ngành thép đang tăng mạnh.

Ngoài việc kinh doanh khó khăn, Thép Tiến Lên còn gặp khó trong việc đầu tư cổ phiếu khi danh mục có giá gốc hơn 138 tỷ đồng, nhưng hiện đã giảm 44%. Cuối tháng 9, Thép Tiến Lên đang lỗ trên giấy 57% ở VIX, 47% ở SHB và IJC, trong khi các cổ phiếu khác giảm 39%.

Nhà máy ngừng sản xuất, công nhân mất việc


Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9 và chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty. Theo Thép Pomina, công ty rơi vào khó khăn do các loại hàng hóa leo thang, nhất là giá nguyên liệu đầu vào của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch COVID-19 chưa khắc phục được.

Trong khi đó, giá bán các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp và nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng trong bối cảnh kinh tế chững lại trên toàn cầu. Do đó, Thép Pomina phải tạm dừng hoạt động lò cao, kéo theo quyết định cho một số cán bộ nhân viên nghỉ vì dừng lò.

Tương tự, Công ty TNHH Thép Miền Nam - VNSTEEL trong ngày 25/10 cũng gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngưng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến tháng 12/2022. Quyết định này đến từ việc nhu cầu thép xây dựng trên thị trường thế giới và nội địa đã suy yếu, các dự án đầu tư, bất động sản bị trì trệ và gặp nhiều khó khăn.

Điểm chung của các công ty sản xuất thép ở thời điểm hiện tại là hàng tồn kho tăng mạnh khi tình hình tiêu thụ ảm đạm. Tại cuối tháng 9/2022, Thép Thủ Đức - VNSteel còn nắm hơn 420 tỷ đồng hàng tồn kho. Lượng hàng tồn kho Thép Tiến Lên ở mức 3.400 tỷ đồng vào cuối quý III năm nay, tăng mạnh so với mức 2.800 tỷ đồng đầu năm.

11-7785.jpeg
Công ty CP Thép Pomia thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9.

Thép Vicasa - Vnsteel nắm giữ 377 tỷ đồng hàng tồn kho, cao hơn mức hơn 350 tỷ đồng đầu năm. Khoản dự phòng giảm trừ hàng tồn kho cuối quý III/2022 là hơn 3 tỷ đồng. Trên bảng cân đối kế toán, Thép Vicasa đang vay tài chính ngắn hạn hơn 244 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn tại cuối tháng 9.

Tại ngày 30/9, Gang Thép Thái Nguyên chỉ còn nắm 26 tỷ đồng tiền mặt, trong khi hàng tồn kho tăng mạnh lên hơn 2.000 tỷ đồng. Với lượng hàng tồn kho cao, việc sản lượng tiêu thụ ảm đạm và giá thép chưa hồi phục tiếp tục gây nhiều khó khăn cho Thép Thái Nguyên.

Nợ ngắn hạn của Thép Thái Nguyên tăng lên hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó có 2.600 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Đồng thời, nợ dài hạn ở mức 2.600 tỷ đồng tại cuối quý III. Điều này cho thấy Gang Thép Thái Nguyên đang chịu áp lực thanh khoản lớn nếu bối cảnh khó khăn của ngành thép kéo dài.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, tăng 23,4% so với tháng 8 và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sản lượng bán hàng thép thành phẩm các loại chỉ đạt 1,99 triệu tấn, giảm 7,19% so với tháng trước và giảm 9,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,8 triệu tấn, giảm 5,8%; bán hàng thép thành phẩm đạt 19,2 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 4,56 triệu tấn, giảm 7,4%. Điều này khiến tồn kho của ngành thép cao trong những quý gần đây.

Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/doanh-nghiep-thep-dua-nhau-bao-lo-hang-nghin-ty-dong-dap-chieu-trong-kho-post1481520.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/doanh-nghiep-thep-dua-nhau-bao-lo-hang-nghin-ty-dong-dap-chieu-trong-kho-post1481520.tpo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp thép đua nhau báo lỗ, hàng nghìn tỷ đồng 'đắp chiếu' trong kho
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO