Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải, một trong những yếu tố tạo nên kỷ lục trên là cộng đồng DN rất hào hứng với trạng thái bình thường mới sau một năm sóng gió. Đồng thời, DN thể hiện niềm tin, kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong các quý tới.
Bên cạnh đó, chính sách nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, mở cửa du lịch và minh bạch môi trường kinh doanh của Chính phủ cũng hỗ trợ đáng kể cho DN. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức cao, niềm tin về triển vọng kinh doanh gia tăng, DN kinh doanh những tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định, số doanh nghiệp được đăng ký mới liên tục gia tăng cho thấy niềm tin của DN vào môi trường kinh doanh đã trở lại. Cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá và phản hồi tích cực về hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
Trong báo cáo về chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây, “sự phục hồi đang ở rất gần” hay “bình thường mới, tương lai xán lạn” là những từ khóa nổi bật được các DN nhấn mạnh.
Quyết định khôi phục các đường bay quốc tế và mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế vào tháng 3 vừa qua cũng được cộng đồng các DN châu Âu hoan nghênh. Theo đó, hơn 2/3 số DN được hỏi bày tỏ tin tưởng rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý 2/2022.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 4/2022, cả nước có 15.000 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 164 nghìn tỷ đồng. Thị trường lao động cùng lúc đón thêm 104,8 nghìn nhân công. Nếu tính cả số DN quay trở lại hoạt động, số DN tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với DN rút lui khỏi thị trường. Lĩnh vực dịch vụ; sản xuất phân phối, điện, nước, gas; bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống… ghi nhận DN quay trở lại hoạt động tăng mạnh.
Tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 vừa được công bố, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, 5 năm trở lại đây, những nỗ lực cải cách của Chính phủ đã đem lại thay đổi tích cực đến chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam, qua cảm nhận của cộng đồng DN. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, với 76,8% DN đánh giá tích cực, lĩnh vực “Thành lập DN” được DN đánh giá có sự cải thiện lớn nhất trong giai đoạn 2017-2021.
Cần mạnh mẽ cải cách môi trường kinh doanh
Tuy nhiên, kết quả khảo sát PCI vẫn cho thấy, thực trạng cải thiện môi trường kinh doanh không đồng đều giữa các lĩnh vực. Một tỷ lệ đáng kể DN chưa nhận thấy có sự cải thiện qua thời gian. Các lĩnh vực sẽ cần thêm nhiều nỗ lực cải cách có thể kể đến như “giải quyết phá sản DN”, “bảo vệ nhà đầu tư” và thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá. Một số thủ tục hành chính (thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng) còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp. Khó khăn trong cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến 21,7% số doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, từ năm 2014 đến nay, cải thiện môi trường kinh doanh đã được Chính phủ xác định là trọng tâm cải cách. Tuy nhiên, nhiều nhược điểm trong môi trường kinh doanh vẫn tồn tại.
Theo ông Đông, trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Đáng chú ý, quyền tài sản vừa giảm điểm, vừa giảm bậc (từ 5.132 điểm xuống 4.995 điểm và giảm 6 bậc từ vị trí 78 xuống vị trí 84); cảm nhận tham nhũng giảm tới 8 bậc (từ vị trí 96 xuống vị trí 104)…
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 4/2022, cả nước có 15.000 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 164 nghìn tỷ đồng. Thị trường lao động cùng lúc đón thêm 104,8 nghìn nhân công. Nếu tính cả số DN quay trở lại hoạt động, số DN tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với DN rút lui khỏi thị trường. Lĩnh vực dịch vụ; sản xuất phân phối, điện, nước, gas; bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống… ghi nhận DN quay trở lại hoạt động tăng mạnh.
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư) cho rằng, cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Cụ thể, ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng nhưng chưa thực chất. Mặc dù, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ song việc thực thi còn mang tính hình thức. Tại một số địa phương, những nỗ lực cải cách chưa rõ nét, còn hình thức và chưa thực sự bám sát thực tiễn DN.
Về các gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023, dù được đánh giá như “cú huých” cho tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đến nay một cấu phần được khởi động vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Việc hỗ trợ lãi suất 2% cho DN vay vốn vẫn chưa được triển khai do cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần cải cách thể chế để thay đổi những tồn tại này, không để một nghị quyết có hàng chục, trăm giải pháp nhưng vẫn tủn mủn.
“Trong ngắn hạn và trung hạn, cải cách khu vực DN nhà nước là chỗ nhiều tiềm năng, có thể bù đắp được thiếu hụt ở chỗ khác. Môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần cải cách mạnh mẽ hơn”.
(Nguồn: Tiền Phong)