Doanh nghiệp muốn tự “đo ni đóng giày” trong phòng, chống dịch

04/10/2021 07:09

Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được quyền tự chủ động chống dịch, vì chỉ có đội ngũ điều hành mới hiểu rõ tình hình hoạt động và sức khỏe của lực lượng lao động tại doanh nghiệp mình.

Khôi phục phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” vừa đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 là yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp (DN) hiện nay. Việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ” vẫn được nhiều DN lựa chọn áp dụng nhằm duy trì tốt sản xuất nhưng vẫn giữ được an toàn cho đội ngũ công nhân lao động.

Gia tăng chi phí

Từ nhiều tháng qua, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đóng vai trò quan trọng, nhất là trong thời gian nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Từ khi có thông tin về “3 tại chỗ”, Công ty CP Ba Huân đã xây dựng phương án phòng dịch cùng với việc chủ động tổ chức khu cách ly trong cơ sở sản xuất để vừa bảo vệ người lao động, vừa đáp ứng chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy.

Theo chia sẻ của bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân, do nhà máy và trang trại trứng Ba Huân đều nằm ở các tỉnh thuộc vùng dịch, bao gồm trang trại nuôi gà ở Bình Dương, trang trại và nhà máy chế biến thực phẩm ở Long An, nhưng với mục tiêu đảm bảo cho người tiêu dùng có sản phẩm an toàn, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lãnh đạo DN đã động viên đội ngũ công nhân thực hiện “3 tại chỗ” cũng như tính toán chỗ ăn, ở tại nhà xưởng cho nhân viên.

“Vấn đề khó nhất trong việc thực hiện “3 tại chỗ” đối với DN là mặt bằng, kế đến là hạ tầng bên trong như nhà vệ sinh, nhà ăn cũng như đảm bảo khoảng cách giãn cách. Hiện tại, Ba Huân vẫn giữ vững được “3 tại chỗ” nhưng sản lượng làm ra đôi khi bị thiếu hụt. Vừa qua TP.HCM lâm vào tình trạng khan hiếm trứng, Sở Công Thương đồng ý cho các DN tăng giá bán để bù chi phí sản xuất, vận chuyển nhưng DN Ba Huân vẫn cam kết giữ nguyên giá, chia sẻ khó khăn với người dân”, bà Huân chia sẻ.

Tái sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh là bài toán khó đòi hỏi các DN phải đảm bảo cân đối sao cho vừa an toàn, nhưng vẫn phải đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, nhiều DN, đặc biệt những DN có số lượng lao động lớn tại các địa phương giãn cách xã hội, rất khó để giải quyết ngay việc này. Một trong những nguyên nhân là chi phí xét nghiệm Covid-19 quá lớn.

Thực hiện phương châm “vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế” theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh Trà Vinh, Tập đoàn Mỹ Lan tại Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh là một trong những đơn vị sớm triển khai thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan cho hay, riêng khâu xét nghiệm cho công ty với gần 400 công nhân mỗi tháng cũng mất hàng tỷ đồng. Thực tế qua hơn 2 tháng qua xét nghiệm Covid-19 cho người lao động cho thấy đây vẫn là một bài toán khó đối với nhiều DN muốn tái hoạt động và duy trì sản xuất, kinh doanh. Chi phí lớn do giá kit cao, mật độ xét nghiệm dày gây tốn kém là những vấn đề mà DN mọi ngành nghề đang gặp phải.

“Khó khăn nhất đối với DN là xây dựng kỷ luật để không có F0 xuất hiện. F0 chính là những trái mìn nổ chậm, có thể nổ bất cứ lúc nào nếu không có kỷ luật trong DN. Khó khăn thứ 2 là phải giữ sự sáng tạo. Trong những lúc khó khăn, sáng tạo rất quan trọng. Tuy nhiên, thông thường “kỷ luật” với “sáng tạo” hay đi ngược nhau. DN càng có kỷ luật thì khó sáng tạo ra giá trị mới và ngược lại. Do đó để tạo được cân bằng giữa “kỷ luật” với “sáng tạo”, DN thường xuyên có những hoạt động để khích lệ sự sáng tạo cho nhân viên mà vẫn đảm bảo kỷ luật”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ nói.

Không độc quyền chống dịch

Thực tế hoạt động trong chuỗi sản xuất và cung ứng hiện nay, không DN nào có thể làm hết các khâu, cho nên chỉ cần 1 DN trong hệ sinh thái dừng sản xuất có thể kéo theo cả chuỗi bị ảnh hưởng. Vì vậy, trong thời điểm hiện nay, các DN rất cần hướng dẫn và sự đồng hành của chính quyền.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, thay vì kiểm soát, Nhà nước không nên can thiệp sâu vào hoạt động của DN và không nên độc quyền chống dịch. Nên để DN có quyền tự chủ chống dịch, vì chỉ có đội ngũ điều hành DN mới hiểu rõ tình hình hoạt động và sức khỏe của lực lượng lao động tại DN đó. Nói cách khác, công cuộc chống dịch nên được “đo ni đóng giày” cho từng DN.

Từ thực tế của DN mình, TS. Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ giải pháp mang tên CNOK - phương thức lấy mẫu xét nghiệm dựa trên toán học xác suất thống kê mà Tập đoàn Mỹ Lan đã triển khai để duy trì sản xuất trong thời gian qua. “Trong đó, C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động và K là kinh tế, giúp phát hiện nhanh chóng và tương đối chính xác người bị nhiễm Covid-19 trong nhà máy. Giải pháp này nhằm giúp DN đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” phát hiện nhanh với độ chính xác tương đối cao và DN không phải dừng sản xuất để thực hiện”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ nêu kinh nghiệp.

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân, hiện nay các DN đang trong trạng thái “mệt mỏi”, chính quyền địa phương nên khích lệ tinh thần và ân cần thăm hỏi các DN; các Hiệp hội và nên đề ra các phương án gỡ rối trong lúc DN đang khó khăn. Các công ty truyền thông cũng có thể góp mặt vào công cuộc chống dịch cùng DN bằng cách quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam để ngày càng thu hút được các đối tác nước ngoài./.

Theo vov.vn
https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-muon-tu-do-ni-dong-giay-trong-phong-chong-dich-895348.vov
Copy Link
https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-muon-tu-do-ni-dong-giay-trong-phong-chong-dich-895348.vov
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp muốn tự “đo ni đóng giày” trong phòng, chống dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO