Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 11.582 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 1.800 doanh nghiệp), tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 16.751 doanh nghiệp, tăng 7% so với cùng kỳ. "Đây là lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp “tháo chạy” khỏi thị trường cao kỷ lục so với số mới tham gia. Điều này rất đánglo ngại để đẩy nhanh việc khôi phục các hoạt động kinh tế trong mùa dịch", ông Chu Tiến Dũng nhận định.
Ngoài ra, sau khi khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online cho thấy, trên 84% các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái dịch COVID-19 lần thứ 4; trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.
Theo ông Chu Tiến Dũng, vừa qua, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần đợt 1 tuy kịp thời nhưng khi thực hiện chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp. Cụ thể, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp còn thấp, một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn… nên doanh nghiệp vẫn gặp khó. Hiện nay, các khoản nợ của doanh nghiệp được ngân hàng quan tâm xem xét cơ cấu lại nợ vay, gia hạn, không chuyển nhóm nợ nhưng chưa được quan tâm xem xét giảm lãi vay cho khoản nợ cũ. Đối với khoản vay mới phải có tài sản bảo đảm mức lãi suất vay tuy có giảm hơn nhưng vẫn còn cao so với lãi suất ngân hàng huy động từ tiền gửi tiết kiệm; nhu cầu vay trả lương giữ chân người lao động hầu như không thực hiện được…
Vì vậy, để giúp các doanh nghiệp vượt qua đợt dịch thứ 4 này, ông Chu Tiến Dũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cầnkiến nghị ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi giúp cho doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn; khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh; khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, cơ sở điều trị…
"Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cần ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất kinh doanh nhưngành du lịch, dịch vụ... theo gói an sinh xã hội lầnthứ hai.Đặc biệt, TP Hồ Chí cần quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho doanh nghiệp (tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển), chăm lo công tác an sinh xã hội cho công nhân mất việc, phải ngừng chờ việc theo cách của Thành phố; hỗ trợ các doanh nghiệp phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuấtdo chấp hành các quy định giãn cáchxã hội…", ông Chu Tiến Dũng nói.