Doanh nghiệp mạnh mẽ vượt qua chính mình trong thời kỳ dịch bệnh

Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)| 02/07/2021 09:54

Để ứng phó trước đại dịch, mỗi doanh nghiệp đều lựa chọn những hướng đi riêng, những giải pháp cấp bách để nỗ lực duy trì hoạt động, chờ đợi thời cơ phát triển trở lại và đạt mục tiêu tăng trưởng.

Doanh nghiep manh me vuot qua chinh minh trong thoi ky dich benh hinh anh 1Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện-Điện tử Mê Trần Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Sau những ngày "nóng bỏng," cả nước cùng chiến đấu với đợt tái phát dịch COVID-19 ở rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tiến trình tiêm vaccine được đẩy mạnh đang thôi thúc niềm tin toàn xã hội.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng dốc sức để khôi phục sản xuất trong những tháng tới đây nhằm bù đắp những mất mát do đại dịch COVID-19.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khẳng định cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời cũng là chủ thể quan trọng khi ứng phó với các vấn đề toàn cầu; trong đó, có đại dịch COVID-19.

Hơn một năm qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động tiêu cực tới mọi hoạt động của đời sống xã hội cùng các thành quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Để ứng phó trước đại dịch, mỗi doanh nghiệp đều lựa chọn những hướng đi riêng, những giải pháp cấp bách để nỗ lực duy trì hoạt động, chờ đợi thời cơ phát triển trở lại và đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Song cũng có nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động do bị giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, bị gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn tới phải cho lao động nghỉ việc...; đặc biệt đó là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ chưa đầy 3 năm tuổi.

"Tuy nhiên, phải ghi nhận sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, quả cảm chiến đấu với dịch bệnh và biến khả năng ấy trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế. Không ít doanh nghiệp đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch. Doanh nghiệp phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng trong nước; đồng thời, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng nguyên, nhiên liệu cho hoạt động của chính mình," ông Vũ Tiến Lộc nói.

"Các sáng kiến trong ứng phó với đại dịch COVID-19 cùng với tiến trình chuyển đổi số đang được các doanh nghiệp tích cực triển khai đã từng bước đem lại hiệu quả như mong muốn, không chỉ giúp duy trì hoạt động mà còn tạo tiền đề để doanh nghiệp tích lũy nguồn lực và có những đột phá trong bối cảnh mới khi bước qua đại dịch," ông Lộc nhấn mạnh.

Doanh nghiep manh me vuot qua chinh minh trong thoi ky dich benh hinh anh 2Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report JSC), cho hay tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức từ 6,5-6,8% trong năm 2021 và có thể tăng lên 7% trong năm 2022 bởi nhiều yếu tố như Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, triển vọng xuất khẩu gia tăng khi vaccine được phân phối rộng rãi.

Nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán nhận định các doanh nghiệp niêm yết phục hồi tăng trưởng lợi nhuận và có thể đạt trên 20% so với năm 2020.

Điều này tạo thêm động lực và niềm tin cho nhà đầu tư tiếp tục đổ dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Nhóm ngân hàng cũng đang có mức tăng trưởng tốt nhất trên thị trường vì đây là khu vực huyết mạch của nền kinh tế và cũng là kênh lưu chuyển dòng vốn.

Thời gian gần đây, trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM, nhóm ngân hàng liên tục có sự biến động về giá cổ phiếu rất mạnh, nhiều ngân hàng tăng khoảng 2 lần chỉ tính từ đầu năm 2021 trở lại đây.

Ông Vinh còn cho biết theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp niêm yết đại chúng trong khảo sát của Vietnam Report, thời gian tới nhóm ngành tài chính-ngân hàng, thép và chứng khoán vẫn giữ được đà tăng trưởng. Cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công thì nhóm ngành bất động sản và vật liệu xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi. Thêm vào đó, các công ty bất động sản liên tiếp bung hàng trong năm 2021 nên cổ phiếu nhóm ngành bất động sản cũng nằm trong nhóm tăng trưởng tốt.

Nhờ xu hướng chuyển đổi số được đẩy mạnh trong mọi lĩnh vực nên nhóm công nghệ thông tin-viễn thông đang được hưởng lợi, kéo theo đó là sự phát triển của lĩnh vực hóa chất trong sản xuất chất bán dẫn và nhu cầu sử dụng chất tẩy rửa tăng cao cũng góp phần giúp cho cổ phiếu nhóm ngành hóa chất tăng trưởng cao...

Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy, dù đối diện với vô vàn khó khăn của dịch COVID-19, nhất là sự thu hẹp thị trường và sự cần thiết phải bóp chặt chi tiêu của người dân nhưng các doanh nghiệp đã tìm được hướng đi phù hợp để không bị lệ thuộc khi phải ngồi im, bất động, chờ chết.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, cho biết dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm săm lốp; nhất là khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Thị trường nội địa và xuất khẩu bị thu hẹp song công ty đã phải áp dụng chính sách để các đại lý chuyển tiền trước, nhận hàng sau.

Giải pháp này cho phép tận dụng nguồn tài chính tốt của hệ thống đại lý vốn đã gắn bó lâu năm; đồng thời, có thể đảm bảo biên độ lợi nhuận mà các đại lý được nhận thêm cao hơn so với tỷ suất khi gửi tiền vào ngân hàng.

Công ty tăng chiết khấu đối với đại lý vượt doanh thu. Cùng với các giải pháp tài chính như đàm phán được với các ngân hàng để nhận được gói vay ưu đãi cả về lãi suất lẫn kỳ hạn, công ty giải quyết tốt bài toán dòng tiền và thanh khoản trong giai đoạn khó khăn.

Để việc vận chuyển hàng thông suốt trong mùa dịch, công ty đã chủ động hỗ trợ các nhà vận tải bằng việc cùng tìm kiếm các đơn hàng chiều về.

Cao su Đà Nẵng cũng đầu tư cho các kênh thương mại số, giúp các đại lý cấp 2 dù không làm việc trực tiếp vẫn nắm rõ dòng sản phẩm và chính sách của doanh nghiệp.

Song song đó, đơn vị tập trung thay đổi quy trình công nghệ, ổn định chất lượng sản phẩm và tập trung giải quyết các sự cố trong sản xuất để giảm tối đa lỗi sản phẩm.

Kỳ vọng vào cơ hội tăng trưởng trong năm 2021, theo ông Nhựt, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang thuận lợi nhờ thành quả của quá trình khống chế dịch bệnh ở Việt Nam. Hơn nữa, lợi thế từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng đã làm gia tăng sản lượng tiêu thụ lốp radial sang thị trường Mỹ, nơi có sức tiêu thụ và hấp thụ khả quan.

Trong năm 2021, Cao su Đà Nẵng và các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ sẽ có cơ hội tiếp tục gia tăng. Đây là lý do Cao su Đà Nẵng đã quyết định khởi động dự án nâng cao công suất của nhà máy radial từ 600.000 lốp/năm lên 1-1,2 triệu lốp/năm trong năm 2021 này.

Không chỉ Cao su Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp trong cả nước khẳng định sẽ mở rộng quy mô, tăng cường các nguồn lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang được triển khai nhưng bị ảnh hưởng do dịch...

Tất cả đều nhắm tới mục tiêu tranh thủ thời gian và nỗ lực để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm nay khi chỉ còn nửa năm nữa là kết thúc kế hoạch năm 2021./.

Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)
Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-manh-me-vuot-qua-chinh-minh-trong-thoi-ky-dich-benh/724054.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-manh-me-vuot-qua-chinh-minh-trong-thoi-ky-dich-benh/724054.vnp
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp mạnh mẽ vượt qua chính mình trong thời kỳ dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO