Sau hai năm kiệt quệ vì COVID-19, các doanh nghiệp và ngành du lịch đang đứng trước cơ hội "hồi sinh" khi mà Chính phủ đang tính toán kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các bên kịp thời công bố lộ trình và triển khai mở cửa lại du lịch, gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trước đó, Thủ tướng yêu cầu mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4 và cố gắng từ cuối tháng 3.
Thấp thỏm chờ mở cửa
Chia sẻ với VTC News, ông Trần Thế Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour (Công ty Fiditour) - cho biết, ngay khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất Thủ tướng từ ngày 31/3/2022 mở cửa đón khách du lịch quốc tế, doanh nghiệp của ông đã chuẩn bị mọi công việc cần thiết cho giai đoạn quan trọng.
“Từ tháng 7,8/2021, công ty đã chủ động làm việc với đối tác, khách hàng. Chúng tôi thực sự sốt ruột, đối tác, khách hàng, nhân sự đều đã có sẵn từ trước, bây giờ chỉ chờ các chính sách mở cửa của Chính phủ, cũng như các nước khác để triển khai thôi”, ông Dũng bày tỏ.
Ông Dũng coi đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp mình cũng như ngành du lịch Việt Nam phục hồi, tuy nhiên mức độ nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như diễn biến của đại dịch. Tiếp đó là các chính sách xúc tiến, quảng bá của Việt Nam. Hơn nữa, khách hàng cũng cần thời gian để phục hồi tài chính.
"Nếu thời điểm này, doanh nghiệp Việt Nam có những điều phối giá tốt, kích cầu phù hợp thì sẽ thu hút được lượng lớn du khách nước ngoài", ông Dũng nêu quan điểm.
Cũng nóng lòng mong được đón khách quốc tế, ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Image Travel & Events - cho biết, doanh nghiệp thậm chí còn lên kế hoạch đưa khách Việt Nam tới các thị trường du lịch nước ngoài vào thời điểm mùa hè năm nay. Do đó, doanh nghiệp đã khởi động xây dựng, chào bán tour tới thị trường quốc tế.
“Chưa thể hy vọng thị trường du lịch phục hồi ngay lập tức nhưng mở cửa đón khách quốc tế sớm ngày nào sẽ tốt ngày ấy”, anh Toản khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp còn tiết lộ, họ đã có những hợp đồng đầu tiên. Theo đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM, sau khi hàng không nối lại đường bay quốc tế Nga, Anh, Pháp, Đức… một số đối tác của công ty từ châu Âu đã đặt tour đến Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5/2022.
Trước đó, ngay trong những ngày đầu năm 2022, công ty này đã đón 4 đoàn khách từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đến đảo Phú Quốc nghỉ dưỡng. "Dự kiến, dịp hè 2022, đơn vị sẽ đón lượng lớn khách du lịch quốc tế châu Âu và Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Do đó, doanh nghiệp thực sự mong thị trường hoàn toàn được mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách vào Việt Nam".
Chưa thể hy vọng thị trường du lịch phục hồi ngay lập tức nhưng mở cửa đón khách quốc tế sớm ngày nào sẽ tốt ngày ấy.
Ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Image Travel & Events
Vừa chạy nước rút vừa lo
Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón du khách quốc tế nhưng các doanh nghiệp lữ hành cũng gặp vô số những khó khăn. Trong đó, mối lo lớn nhất là hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin chính xác hay kế hoạch mở cửa rõ ràng nào từ các Sở, Ban, ngành. Thậm chí, nhiều người đặt câu hỏi: Kế hoạch mở cửa có bị thay đổi không? Có được thực thi đúng dự định không?.
“Ngay sau khi chính phủ mở cửa, chắc chắn doanh nghiệp sẽ mở bán tour ngay lập tức, nhưng bán được hay không, khi nào tour khởi hành được thì phải phụ thuộc vào những tiêu chí hoặc các điều kiện mình đưa ra. Du lịch có đặc thù riêng, doanh nghiệp muốn bán tour thì ít nhất phải có sự chuẩn bị 1 - 2 tháng đối với đoàn quốc tế, thậm chí từ 4 đến 6 tháng đối với thị trường châu Âu. Vì độ trễ đó nên càng đưa ra các chính sách thông tin rõ ràng và chính xác thì sẽ càng có khách sớm”, ông Trần Thế Dũng khẳng định.
Lý giải về quan điểm này, ông Dũng phân tích: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế phải phụ thuộc vào rất nhiều các ngành khác. Bây giờ phải có kế hoạch cụ thể các chuyến bay thương mại quốc tế bao giờ sẽ mở cửa, những địa phương nào sẽ đón khách, phương tiện giao thông trong nước hoạt động ra sao? Từ đó doanh nghiệp lữ hành mới có thể lên chương trình và làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ ở địa phương. Sau đó mới tính được giá giao dịch và chương trình để gửi cho đối tác nước ngoài. Từ chương trình của mình họ mới xúc tiến quảng bá, in ấn phẩm và bán tour được.
Lộ trình là như vậy nên nếu muốn sẵn sàng cho mở cửa vào 31/3 thì phải kế hoạch chi tiết từ ngay bây giờ hoặc chậm nhất là cuối tháng 2”.
Để làm được việc này, ông Dũng cho rằng cần sự bàn bạc thống nhất giữa các sở ban ngành, để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện.
“Bản thân doanh nghiệp trong nước còn mơ hồ về thông tin thì đối tác, khách nước ngoài càng hoang mang hơn. Chưa thấy chắc chắn thì chưa thể xúc tiến bán tour, vì không thể chạy theo một chính sách chưa rõ ràng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp khác cũng tính toán: "Phải sau 3 tháng từ lúc bắt đầu mở cửa, tôi nghĩ mới có được ít khách. Mùa chính của khách quốc tế là từ tháng 10 đến tháng 4 nên phải mở từ đầu năm chứ mở sát ngày khách sẽ không lên kế hoạch được". Vị này cũng bày tỏ tuy doanh nghiệp muốn đầu tư cho sự trở lại này, nhưng chỉ sợ vừa mở cửa đã lại đóng, hoặc kế hoạch mở cửa thay đổi, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.
Còn ông Nguyễn Ngọc Toản nói: “Doanh nghiệp tôi trước nay chuyên phục vụ du khách Âu và Mỹ. Nếu tháng 4 mở cửa thì khoảng tháng 9 - 10 mới có khách. Mở cửa sớm vào mùa xuân này thì tốt, nhưng là tốt cho mùa đông. Nếu mùa xuân mở thì mùa đông mới hoạt động được, phải khoảng 6 tháng sau khi mở cửa mới có khách".
Một mối lo nữa với các doanh nghiệp lữ hành đó là chính sách thiếu đồng nhất của các địa phương. Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch - phân tích, vấn đề khó nhất là quy định về đi lại. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm, có tỉnh không, rồi yêu cầu cách ly hay không cách ly…
Ngoài ra, hiện nay có nhiều điều kiện hạn chế khiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan ban ngành. "Chúng ta nên tham mưu để bãi bỏ những quy định không phù hợp, cần xây dựng, đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất", ông Kiên nói.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: "Tôi nghĩ có lẽ ngay lập tức 7.800 doanh nghiệp sẵn sàng đón khách. Bộ Y tế trình Chính phủ về việc cách ly ở các địa phương để khách đến biết được rõ ràng. Đề nghị các địa phương nếu có gì thay đổi chính sách dành thời gian báo trước cho doanh nghiệp để họ thay đổi", ông Bình nói.
Thừa nhận việc kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu vô cùng quan trọng song đại diện Công ty lữ hành Fiditour cũng cho rằng để kích thích nhu cầu du lịch của du khách nước ngoài tới Việt Nam, cần phải giảm thiểu những quy định phòng chống dịch dễ gây tâm lý không thoải mái, cản trở nhu cầu của du khách.
“Doanh nghiệp, người dân cũng như du khách quốc tế đều đã có kinh nghiệm để tự bảo vệ bản thân an toàn trong dịch bệnh. Các biện pháp như 5K, giữ khoảng cách hay sát khuẩn, trải qua 2 năm mọi người đều nắm rõ. Bây giờ độ tiêm phủ vaccine của mình đã cao, phải sống chung với dịch. Nếu không có biến thể nào làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch của Việt Nam cũng như thế giới thì các biện pháp phòng chống đó đã quá đủ rồi, giờ chỉ cần giảm bớt thôi”, ông Dũng phân tích.
“Mở cửa mà quá an toàn thì dễ ảnh hưởng đến tính khả thi”, đại diện một công ty du lịch nêu quan điểm.
Thành LâmNăm 2022, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng mạnh
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đây là tín hiệu đầy khả quan về sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam năm 2022, tạo đà thuận lợi cho kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế trong thời gian sắp tới.
Theo đó, lượng tìm kiếm đã tăng dần từ đầu tháng 12/2021, đến cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022 thì tăng vọt. Lượt tìm kiếm vào thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so với tháng trước và tăng 248% so với cùng kỳ 2021.
Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425% so với kỳ 2021.
Trong khi đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng cao rõ rệt từ đầu tháng 12/2021.
Google Destination Insights cũng chỉ ra lượng tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam đến từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Anh, Canada…
10 điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất gồm có: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Phú Quốc, Phan Thiết, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Quy Nhơn, Vũng Tàu…