Doanh nghiệp kiệt sức giữa gánh nặng lãi vay và thiếu đơn hàng

17/05/2023 19:15

Nhiều doanh nghiệp đang ngày càng đối mặt với khó khăn khi đơn hàng tiếp tục giảm mạnh trong khi lãi suất vay neo cao, nguồn vốn hạn hẹp. Có những đơn vị phải sản xuất cầm chừng.

Mới đây, Pouyuen - Doanh nghiệp đông lao động nhất Việt Nam tiếp tục thông báo cắt giảm khoảng 10% tổng số lao động, tức khoảng 5.700 lao động. Hồi tháng 3, công ty này cũng ngừng hợp đồng với hơn 2.300 nhân sự.

Trong một khảo sát vừa công bố, có tới 50% doanh nghiệp tại TP.HCM cũng cho biết họ đang sản xuất cầm chừng và cố gắng để duy trì. Thực tế, tình hình "đói" vốn, "đói" đơn hàng ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đang buộc phải co cụm lại, không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Số khác còn duy trì hoạt động thì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn vay để mở rộng đầu tư bởi kinh tế chung chưa hồi phục.

Đáng chú ý, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi quyết định vay vốn đầu tư.

Lãi vay cao doanh nghiệp khó phục hồi

Trao đổi với Zing, ông Vũ Duy Hân, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh, cho biết trong năm nay tình hình doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn.

"Hiện nay, lãi suất cho vay đã hạ nhưng mức hạ rất ít, nếu doanh nghiệp vay ngắn hạn cũng khoảng 9%, dài hạn vẫn ở mức 11%. Mức lãi suất này vẫn rất cao với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay", ông nhìn nhận.

Theo ông Hân, với tình hình lãi suất cho vay cao, đơn hàng xuất khẩu nhỏ lẻ, giá trị thấp, doanh nghiệp của ông đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ. "Doanh nghiệp đã xác định năm nay chỉ cố gắng duy trì đủ việc làm cho hơn 700 lao động chứ không thể nghĩ đến lợi nhuận", giám đốc doanh nghiệp này cho biết.

Tương tự, với các doanh nghiệp thủy sản, bên cạnh nỗi lo đơn hàng sụt giảm thì nguồn vốn tín dụng hạn chế để mua nguyên liệu sản xuất cũng đang là trở ngại lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các ngành xuất khẩu chủ yếu vay USD, trước đây lãi suất vay USD chỉ khoảng 2,1-2,3% thì nay đã lên đến hơn 4%.

doanh nghiep kho khan anh 1
Người lao động trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, gỗ... đang trải qua giai đoạn bấp bênh về thu nhập. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 5 này để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi vay về 7-8%/năm.

"Hiện tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đều dao động 11-12%, chưa trừ khấu hao và lãi ngân hàng. Nếu phải vay với lãi suất trên 10% như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ và khó có thể phục hồi", bà nói.

Đói đơn hàng hơn đói vốn

Trong khi đó, trao đổi với Zing, lãnh đạo của một hiệp hội doanh nghiệp gỗ cho biết vấn đề thực sự của đa số doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay không phải là lãi suất vay cao hay thấp mà chủ yếu là đầu ra.

"Hiện nay đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm, đầu ra không có dẫn đến không thể thanh khoản. Mối quan tâm của doanh nghiệp chủ yếu là đơn hàng chứ không còn là vấn đề lãi suất cao hay thấp", vị này cho hay.

Đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu trong nhiều ngành hàng đang bị ảnh hưởng lớn về vấn đề đơn hàng. "Trước bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp chấp nhận cố gắng duy trì hoạt động, trả lương ở mức độ nhất định để giữ công nhân, thu hẹp sản xuất. Nhưng có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động vì thực tế không có đơn hàng, hay số khác phải chấp nhận dừng hoạt động", lãnh đạo hiệp hội thông tin.

Trong khi cuối năm ngoái và đầu năm nay, doanh nghiệp còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay, lãi suất cao nhưng đến nay thì ngược lại, tiếp cận vốn không khó nhưng doanh nghiệp không biết nên vay làm gì cho hiệu quả

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cũng đánh giá tình hình chuyển biến rất nhanh. Trong khi cuối năm ngoái và đầu năm nay, doanh nghiệp còn liên tục kêu khó tiếp cận vốn vay, lãi suất cao nhưng đến nay thì ngược lại, tiếp cận vốn không khó nhưng doanh nghiệp không biết nên vay làm gì cho hiệu quả.

"Hiện nay tâm trạng chung của doanh nghiệp là cố gắng cầm cự, giữ đơn hàng và trông chờ vào đơn hàng mới. Có những doanh nghiệp không cầm cự được, phải bán bớt một phần tài sản để trả nợ vì không muốn bị xếp vào nhóm nợ xấu hoặc mất uy tín trong vấn đề thanh toán", Chủ tịch HUBA chia sẻ.

Doanh nghiệp nên đa dạng thị trường

Trong bối cảnh hiện nay khi nhu cầu thế giới giảm, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng doanh nghiệp nên mở rộng, tìm kiếm các thị trường "ngách" như Nam Mỹ, các quốc gia tham gia CPTPP với Việt Nam... thay vì chỉ phụ thuộc vào 3 thị trường lớn là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.

"Bên cạnh đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung, chiến tranh Nga - Ukraine sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng làm chi phí tăng lên trong khi nhu cầu thu hẹp. Khi đó, nếu doanh nghiệp có giải pháp tốt hơn về logistics để giảm giá thành sản phẩm... Ngoài ra, có thể tranh thủ tận dụng sự chuyển dịch đầu tư của các nước", ông nói.

doanh nghiep kho khan anh 2
Chuyên gia cho rằng doanh nghiệp phải tự cứu mình và cố gắng cầm cự, duy trì. Ảnh: Reuters.

Do đó, lãnh đạo HUBA nhấn mạnh doanh nghiệp cần xoay xở, tìm kiếm mở rộng thị trường. "Doanh nghiệp phải tự cứu mình trước, cố gắng cầm cự, duy trì", ông Hòa nói.

Về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, ông Hòa đánh giá đây là chính sách cụ thể để kích cầu trong nước. Ngoài ra, ông cho rằng Chính phủ nên nghiên cứu giảm thêm các sắc thuế khác hỗ trợ doanh nghiệp như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế trước bạ... và duy trì đến cuối năm nay.

"Hiện nay, thúc đẩy đầu tư công là giải pháp hữu hiệu nhất giúp doanh nghiệp phục hồi. Hy vọng cuối năm, tình hình trong nước sẽ phục hồi nhờ đẩy mạnh đầu tư công. Nếu có chính sách tín dụng dài hạn cho đầu tư phát triển, doanh nghiệp cũng sẽ có thể tiếp nhận sự dịch chuyển của dòng vốn FDI", ông đánh giá.

Theo zingnews.vn
https://zingnews.vn/doanh-nghiep-kiet-suc-giua-ganh-nang-lai-vay-va-thieu-don-hang-post1431717.html
Copy Link
https://zingnews.vn/doanh-nghiep-kiet-suc-giua-ganh-nang-lai-vay-va-thieu-don-hang-post1431717.html
    Nổi bật Việt Báo
    • Bà Trương Mỹ Lan: Chỉ cần bán 10% tài sản đã thu được 500.000 tỷ đồng
      Tại phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan cho rằng công ty định giá tài sản trong vụ án đã định giá chưa chính xác. Chỉ cần 10% tài sản là bất động sản đã thu được 500 ngàn tỷ đồng.
    • Nói dối vì...yêu
      Nhiều người luôn khăng khăng đòi sự thật và cho rằng sự trung thực, thật thà là giá trị làm nên sự bền vững của hôn nhân. Nhưng trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn mới thấy, đôi khi nói dối cũng là một biểu hiện của yêu thương một người.
    • Bầu cử ở Mỹ được đảm bảo an ninh ra sao?
      Việc đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ quan trọng chẳng kém lựa chọn trong các lá phiếu của cử tri. Với ứng viên Donald Trump và Kamala Harris, việc đảm bảo an toàn được thực hiện ra sao?
    • Nhiều nghệ sĩ quyền lực bỏ phiếu cho bà Harris làm tổng thống Mỹ
      Buổi vận động tranh cử của bà Kamala Harris tối 4/11 gây chú ý vì sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ quyền lực như ca sĩ Lady Gaga, ông hoàng nhạc Latin Ricky Martin, ca sĩ will.i.am...
    • Quên hết nỗi sầu ở Suôi Thầu
      Có một miền xinh đẹp hoang sơ ở Hà Giang mang tên Suôi Thầu. Nơi đây không có nhà cao tầng, khói bụi, tiếng còi xe... khiến ta như tạm quên hết những bộn bề của cuộc sống...
    Đừng bỏ lỡ
    Doanh nghiệp kiệt sức giữa gánh nặng lãi vay và thiếu đơn hàng
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO