Doanh nghiệp được tham gia quyết định và giám sát quản lý, sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

Phạm Oanh (thực hiện)| 30/09/2021 12:04

Quy định đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 đang gặp ý kiến trái chiều từ phía các hiệp hội doanh nghiệp. Liệu đây có phải là một khoản thuế hay phí mà doanh nghiệp phải chịu? Số tiền các doanh nghiệp đóng góp sẽ được sử dụng ra sao…

Để làm rõ vấn đề này, Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT

PV: Thưa ông, Luật BVMT 2020 có quy định nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, xin ông cho biết rõ hơn về quy định này.

Ông Phan Tuấn Hùng:

Luật BVMT 2020 có hai quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, gồm: Điều 54 quy định trách nhiệm tái chế chất thải và Điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải. Theo đó, tại hai điều luật này có quy định đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam tương ứng là đóng góp để hỗ trợ tái chế và đóng góp để hỗ trợ xử lý chất thải. Hai cơ chế đóng góp tài chính này là khác nhau, áp dụng cho các nhóm sản phẩm, bao bì khác nhau và cơ chế quản lý, vận hành cũng khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay đang có hiểu nhầm và nhầm lẫn giữa hai quy định này.

Về trách nhiệm tái chế, dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu 06 nhóm sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (gồm: thiết bị điện – điện tử; pin - ắc quy; săm lốp; dầu nhớt, phương tiện giao thông và bao bì) có hai lựa chọn là tự mình tổ chức tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Việc đóng tiền vào Quỹ BVMT trong trường hợp này là tự nguyện vì đây là lựa chọn nhằm thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Về trách nhiệm xử lý chất thải, dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu 05 nhóm sản phẩm, bao bì có các tiêu chí như chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý sau khi trở thành chất thải (gồm: bao bì hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật; kẹo cao su; tã, bỉm sử dụng một lần; thuốc lá; sản phẩm, đồ nhựa dùng một lần hoặc các sản phẩm sử dụng nhựa như một số sản phẩm như quần áo, giày dép, đồ chơi.v.v…) thì phải đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải. Đây là khoản đóng góp bắt buộc, khách với đóng góp tự nguyện để thực hiện trách nhiệm tái chế.

PV: Như vậy, các khoản đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam nêu trên không phải là thuế, phí bảo vệ môi trường, tại sao lại như vậy, thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Cần phải khẳng định Luật BVMT 2020 đã quy định đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động tái chế hoặc xử lý chất thải. Luật BVMT 2020 không quy định khoản đóng góp này là thuế hay phí bảo vệ môi trường. Bản chất thì tiền đóng vào Quỹ BVMT Việt Nam là để thực hiện trách nhiệm tái chế hoặc xử lý các sản phẩm, bao bì khi chúng trở thành chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; khoản tiền này không nộp vào ngân sách nên không thể gọi là thuế hay phí môi trường. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã triển khai cơ chế này đều không coi khoản đóng góp này là nguồn thu ngân sách, sử dụng trực tiếp cho hoạt động tái chế, xử lý chất thải; cơ quan nhà nước không quản lý, sử dụng khoản đóng góp này mà chỉ thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng bảo đảm hiệu quả, minh bạch, đúng mục đích và đúng pháp luật.

Ngoài ra, việc đóng góp hỗ trợ tái chế theo Điều 54 Luật BVMT 2020 là tự nguyện, không phải bắt buộc như tôi đã nêu nên không thể gọi đây là một nguồn thu thuế hay phí.

Theo chiều ngược lại, theo quy định pháp luật thì thuế, phí là khoản thu ngân sách. Thuế, phí chỉ được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, phí. Hơn nữa, về nguyên tắc Luật BVMT 2020 và dự thảo Nghị định không thể quy định cụ thể thuế, phí bảo vệ môi trường được. Do đó, tôi khẳng định tiền đóng góp để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải trong dự thảo Nghị định hiện nay không phải là thuế, phí hay lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí như một số ý kiến băn khoăn.

Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay, có nhiều quy định của pháp luật tương tự như khoản đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường thực hiện EPR ở các lĩnh vực khác, ví dụ như chi trả dịch vụ môi trường rừng đóng vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo Luật Lâm nghiệp; đóng Quỹ Phòng chống thiên tai theo Luật Phòng, chống thiên tai, đóng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và nhiều quỹ khác. Các khoản đóng góp tôi nêu cũng là các khoản đóng góp không thuộc ngân sách và được dùng hỗ trợ cho các mục tiêu phát triển và hoạt động quản lý khác nhau, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách.

PV: Hiện nay, có nhiều ý kiến băn khoăn về tính minh bạch của việc quản lý các khoản đóng góp vào Quỹ BVMT Việt Nam. Xin ông cho biết việc quản lý, sử dụng tiền đóng góp này được thực hiện như thế nào?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Công khai, minh bạch và đúng mục đích là yếu tố quyết định thành công của quy định này do vậy đây là vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm, đây là vấn đề đã được Luật BVMT 2020 quy định tại Điều 54 và Điều 55. Về vấn đề này tôi xin nêu mấy ý để làm rõ hơn như sau:

Thứ nhất, dự thảo Nghị định đã quy định việc quản lý, sử dụng khoản đóng góp này có sự tham gia thực hiện, giám sát, kiểm tra bởi các thiết chế khác nhau để bảo đảm minh bạch, công khai và cơ chế giám sát lẫn nhau, bao gồm: Quỹ BVMT Việt Nam, Văn phòng EPR Việt Nam, Hội đồng EPR quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo dự thảo Nghị định, Quỹ BVMT Việt Nam chỉ có vai trò giữ tiền mà không sử dụng tiền và không tổ chức thực hiện, vận hành tái chế thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu đã đóng tiền; tổ chức thực hiện tái chế được thực hiện bởi Văn phòng EPR Việt Nam.

Thứ hai, Văn phòng EPR Việt Nam hay Quỹ BVMT Việt Nam ngoài việc chịu sự quản lý, giám sát, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng EPR quốc gia thì các tổ chức này còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như các tổ chức khác.

Thứ ba, theo quy định của dự thảo Nghị định hiện nay, việc quản lý, giám sát việc sử dụng khoản tiền đóng góp này có sự tham gia trực tiếp của nhà sản xuất, nhập khẩu thông qua Hội đồng EPR quốc gia. Nhà sản xuất, nhập khẩu được quyền tham gia quyết định, giám sát việc quản lý, sử dụng khoản tiền này để bảo đảm hiệu quả, minh bạch và đúng mục đích.

Thứ tư, dự thảo Nghị định quy định Hội đồng EPR quốc gia với sự có mặt của đại diện tất cả các nghành hàng sẽ có quyền tham gia quyết định, giám sát quản lý, sử dụng khoản đóng góp này. Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu được thông báo công khai việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của họ.

Do đó, ý kiến cho rằng Văn phòng EPR Việt Nam hay Quỹ BVMT Việt Nam toàn quyền quyết định sử dụng khoản đóng góp này mà không có cơ chế kiểm tra, giám sát là không chính xác.

Quy định EPR được xây dựng phù hợp với nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền"

PV: Có ý kiến cho rằng công thức tính tiền hỗ trợ tái chế chưa thực sự rõ ràng, ông có thể cho biết rõ hơn về công thức không thưa ông?

Ông Phan Tuấn Hùng:

Theo dự thảo Nghị định, tiền hỗ trợ tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì được xác định theo công thức: F = (Fs * V * R) + Fm, tức là tổng tiền đóng góp = (định mức chi phí tái chế * lượng sản phẩm, bao bì * tỷ lệ tái chế theo yêu cầu) + chi phí quản lý, tổ chức hoạt động tái chế.

Theo công thức này thì có 02 phần: phần thứ nhất là chi phí tái chế như thu gom, phân loại, vận chuyển, tái chế. Chi phí này sẽ được chi trả cho các đơn vị tái chế. Phần thứ hai (Fm) là chi phí quản lý và tổ chức tái chế của Quỹ BVMT Việt Nam và Văn phòng EPR Việt Nam thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu.

Công thức này là phù hợp thông lệ quốc tế và thực tế ở Việt Nam, được các chuyên gia quốc tế và trong nước đề xuất trên cơ sở tham khảo hầu hết các quốc gia đã áp dụng cơ chế này. Các quốc gia ở EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều quốc gia khác đều áp dụng quy định đóng góp này theo nguyên tắc “tính đủ chi phí” (full cost principle). Theo đó, đóng góp này tối thiểu phải bao gồm đầy đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ thực tế của tái chế như thu gom, phân loại, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì sau quá trình tiêu dùng cũng như các chi phí quản lý có liên quan.

Về nguyên tắc, chi phí đóng góp trong trường hợp không tự tổ chức tái chế thì phải cao hơn chi phí mà nhà sản xuất, nhập khẩu tự tổ chức tái chế; tức là khuyến khích nhà sản xuất, nhập khẩu tự tái chế và khi tự tái chế thì họ sẽ điều chỉnh thiết kế sản phẩm, bao bì cho mục đích tái chế nhằm tối ưu hóa về mặt kinh tế. Mục tiêu của quy định này không phải là nhằm thu tiền mà nhằm mục tiêu cao hơn là tạo động lực cho nhà sản xuất, nhập khẩu tự thực hiện tái chế.

Có ý kiến kiến nghị bỏ hoặc gộp chi phí quản lý, tổ chức hoạt động tái chế (Fm) vào chi phí tái chế. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy chi phí quản lý, tổ chức tái chế là bắt buộc phải có, nếu không có thì ai sẽ đứng ra tổ chức tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Chi phí này nên quy định rõ ràng mà không nên gộp vào chi phí tái chế.

Cũng có ý kiến cho rằng quy định 5% chi phí quản lý (Fm) như dự thảo Nghị định hiện nay còn thấp, không đủ trang trải chi phí quản lý, tổ chức tái chế. So sánh với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trích khoảng 15% (10% chi phí quản lý và 5% chi phí dự phòng) của khoản thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng cho chi phí quản lý.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
https://baotainguyenmoitruong.vn/doanh-nghiep-duoc-tham-gia-quyet-dinh-va-giam-sat-quan-ly-su-dung-tien-dong-gop-ho-tro-tai-che-xu-ly-chat-thai-331588.html
Copy Link
https://baotainguyenmoitruong.vn/doanh-nghiep-duoc-tham-gia-quyet-dinh-va-giam-sat-quan-ly-su-dung-tien-dong-gop-ho-tro-tai-che-xu-ly-chat-thai-331588.html
Bài liên quan
  • Local model to represent Vietnam at Miss Global 2024
    Nguyen Dinh Nhu Van, the Vietnamese representative at Miss Global 2024, is set to attend the 11th edition of the global pageant which is scheduled to take place in February and March next year in Cambodia and Thailand.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp được tham gia quyết định và giám sát quản lý, sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO