Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), đơn vị phối hợp với nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) tổ chức buổi thử nghiệm bắt đầu từ 9h15 - 12h20 ngày 29/8, chia làm ba đợt tàu chạy.
Dự kiến, các đoàn tàu xuất phát từ ga Bến Thành. Trong đó, đợt 1 xuất phát lúc 9h có lộ trình di chuyển qua 14 nhà ga (bao gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao).
Trên hành trình, tàu dừng khoảng 5 phút ở ga Nhà hát Thành phố, Ba Son và Tân Cảng, cho người tham gia thử nghiệm đứng tham quan. Sau đó, tàu chạy thẳng về ga Suối Tiên rồi vòng ngược lại nơi xuất phát ở Bến Thành.
Trong đợt 2 và 3, đoàn tàu xuất phát lúc 11h10, 11h40 với lộ trình chạy qua 7 nhà ga (3 ga ngầm và 4 ga trên cao) từ Bến Thành đến ga An Phú và ngược lại. Trên hành trình chạy, tàu dừng lại 5 phút tại các ga Nhà hát Thành phố, Ba Son và Tân Cảng, cho người tham gia thử nghiệm đứng tham quan.
Theo MAUR, sự kiện chạy thử tàu đánh dấu thêm một cột mốc mới trong quá trình triển khai dự án, tròn 1 năm kể từ ngày đơn vị chạy thử đoàn tàu metro đầu tiên trong phạm vi depot Long Bình. Việc có thể tiến hành thử nghiệm liên động toàn tuyến từ ga Suối Tiên đến ga Bến Thành là sự kiện hết sức ý nghĩa nhân dịp lễ 2/9 và cũng một điểm nhấn trong chuỗi sự kiện các hoạt động chào mừng 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam (1973 – 2023).
So với những lần trước, đây là lần đầu đoàn tàu chạy thử nghiệm trên toàn tuyến với 2,6km đi ngầm và 17,1km trên cao. Trong đó, đoạn trong hầm là khó khăn nhất khi các nhà thầu vừa thi công, vừa thử nghiệm trong điều kiện đường hầm chật hẹp, không gian nhỏ, điều kiện về ánh sáng, thông gió, thông tin, liên lạc cũng không được thuận lợi như đoạn trên cao.
"Ở trong hầm, việc tích hợp các hệ thống cũng nhiều hơn, phức tạp hơn vì ngoài hệ thống hệ thống của đoàn tàu thì còn có hệ thống chiếu sáng, hệ thống thông gió, hệ thống làm mát. Hệ thống PCCC, cứu nạn cứu hộ, các thiết bị an ninh, an toàn trong đường hầm cũng đa dạng hơn nhiều", phía MAUR thông tin.
Từ đầu năm 2023 đến nay, MAUR, đơn vị tư vấn và các nhà thầu đã phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai dự án, vừa tiến hành các bước thử nghiệm, vừa thi công lắp đặt thiết bị hệ thống còn lại như các hệ thống cung cấp điện, viễn thông, tín hiệu, tiếp điện trên cao, thông gió đường hầm,…
Việc thử nghiệm cũng được chia thành nhiều giai đoạn gồm thử nghiệm tĩnh, thử nghiệm động, thử nghiệm giao diện, thử nghiệm tích hợp…
Dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km với 14 nhà ga, 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, có tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).
Hiện nay, toàn bộ dự án đã thi công đạt gần 96% khối lượng công việc. Trong đó, gói thầu số 1a (Xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 99,88%. Gói thầu 1b (Xây dựng đoạn ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99,73%. Gói thầu số 2 (Xây dựng đoạn trên cao, chiều dài 17,1km từ ga Ba Son đến depot Long Bình) đạt 97,73%.
Riêng gói thầu số 3 (Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 91,35%. Tháng 5/2022, toàn bộ 17 đoàn tàu Metro số 1 đã được nhập khẩu từ Nhật Bản về Việt Nam. Theo thiết kế, mỗi đoàn tàu metro có 3 toa, mỗi toa dài 61,5m, có thể chở 930 khách. Tốc độ tối đa theo thiết kế là 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn hầm).