Quảng Ninh có bờ biển dài 250 km, với 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha eo vịnh là lợi thế để phát triển kinh tế biển và thủy sản. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 75 văn bản để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.
Đối với thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản, UBND tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, cập nhật vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch không gian biển. Chỉ đạo lập Đề án phát triển kinh tế thủy sản bền vững đến 2030, định hướng đến 2045 làm cơ sở để thúc đẩy thủy sản phát triển. Tập trung đầu tư trang thiết bị để kiểm soát, nâng cao hiệu quả quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tập trung, các khu sơ chế và chế biến thủy sản. Riêng giai đoạn năm 2018-2021, ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực thủy sản trên 1,3 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quy chuẩn địa phương về vật liệu làm phao nổi trong nuôi thủy sản biển và đang chỉ đạo Sở NN & PTNT nghiên cứu đánh giá sức tải môi trường phù hợp với các vùng nuôi trồng thủy sản biển. Đầu tư xây dựng 148 trạm Quan trắc môi trường tự động, giám sát các nguồn phát thải, kịp thời cảnh báo ô nhiễm tại các địa phương, doanh nghiệp; tổ chức lấy mẫu đánh giá chất lượng nước thải các đơn vị chế biến, mẫu quan trắc tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản theo quy định. Cơ bản các đơn vị nuôi trồng, chế biến thủy sản đang hoạt động cơ bản thực hiện đúng, đủ các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đối với thực hiện chính sách pháp luật về kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt từ công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật về thủy sản; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra và thanh tra, xử lý vi phạm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phạm Văn Thành khẳng định, Quảng Ninh sẽ tận dụng tối đa những lợi thế biển và sớm hoàn thiện những bất cập chưa hoàn thành đối với hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Đồng thời đề xuất với Đoàn giám sát của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội kiến nghị với Bộ NN& PTNT tham mưu, báo cáo Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với kết cấu hạ tầng thủy sản, làm cơ sở thu hút các nguồn lực xã hội quản lý, khai thác; chính sách chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản.
Cùng với đó, sớm xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về vật liệu nổi sử dụng trong nuôi trồng thủy sản biển, nước thải, rác thải từ hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên biển. Kiến nghị với Bộ TN&MT tham mưu, báo cáo Chính phủ phê duyệt quy hoạch không gian biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ...
Phát biểu kết luận chương trình giám sát, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đánh giá cao công tác thực hiện và chia sẻ những khó khăn với Quảng Ninh về việc thực hiện các chính sách pháp luật, quản lý việc nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đoàn sẽ ghi nhận, tập hợp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh để báo cáo với các cơ quan chức năng của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét và giải quyết.