Tham dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Báo cáo kết quả bước đầu về các báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, Bộ Nội vụ là một trong các đơn vị thực hiện tương đối tốt việc tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Nội vụ đã giảm tổ chức bộ máy và số lượng đơn vị sự nghiệp từ 31 xuống 25 đơn vị (giảm 19,3%), giảm 41 đầu mối tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; biên chế sự nghiệp năm 2021 được giao giảm 235 người (15,23%) so với năm 2015, vượt chỉ tiêu theo quy định. Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở nhà đất được sắp xếp, quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm.
Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ cho thấy, vẫn còn diện tích đất cho thuê không đúng quy định chưa được thu hồi. Do đó, Tổ công tác đề nghị rà soát lại nội dung này để bảo đảm thống nhất nhận định, đánh giá.
Trình bày Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, sau cuộc làm việc với Tổ công tác vừa qua, Bộ Nội vụ đã rà soát, cập nhật nhiều nội dung hoàn thiện, bổ sung thông tin gửi Đoàn giám sát của Quốc hội vào ngày 5/7/2022.
Không chỉ là cơ quan gương mẫu đi đầu trong việc sắp xếp tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề ra, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2021 là 268.651 triệu đồng, trong đó tiết kiệm trong phê duyệt, phân bổ dự toán là 33.392 triệu đồng, trong sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước là 235.259 triệu đồng, thông qua việc dừng mua sắm 2 xe ô tô công theo chức danh, tiết kiệm chi đoàn, chi trong đấu thầu, tiết kiệm từ việc triển khai cơ chế một cửa điện tử, tiết kiệm theo Nghị quyết của Chính phủ dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự tích cực của Bộ Nội vụ trong công tác chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, công phu, bám sát mục đích, yêu cầu, đề cương của Đoàn giám sát, kịp thời bổ sung nhiều thông tin, nội dung quan trọng, thiết thực phục vụ chuyên đề giám sát.
Khẳng định đây là chuyên đề giám sát có nội dung quan trọng được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm và cũng là chuyên đề rộng và khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành mang tính chuyên môn sâu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kết quả báo cáo của Bộ có ý nghĩa, giá trị quan trọng trong sử dụng tổng hợp, báo cáo đánh giá chung của Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp thu tối đa ý kiến thảo luận tại cuộc làm việc, khẩn trương rà soát hoàn thiện báo cáo; tiếp tục cập nhật, bổ sung nhận định, đánh giá về những ưu, khuyết điểm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân chủ quan, khách quan trong lĩnh vực này. Đồng thời, nhận định sâu sắc hơn về những kết quả đạt được thông qua những số liệu cụ thể và so sánh với giai đoạn trước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp, bố trí nhân sự có trình độ tham gia các buổi làm việc với Tổ Công tác của Đoàn theo kế hoạch của Đoàn giám sát; cử cán bộ tham gia cùng Đoàn trong quá trình hoàn thiện Báo cáo đánh giá chung của Đoàn giám sát để đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu Bộ không làm tốt việc xây dựng tổ chức bộ máy, tổ chức biên chế, xây dựng cán bộ thì hiệu quả quản lý nhà nước không bảo đảm; đồng thời Bộ cần rút kinh nghiệm những hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tốt hơn trong công tác tham mưu quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Lê Sơn