Vài ngày trước, một đoạn video dài 3 phút ở Trung Quốc đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet. Trong clip, bà nội cầm gậy liên tục đánh vào đầu đứa cháu khoảng 7, 8 tuổi. Còn đứa trẻ chửi thề, giật lấy cây gậy gỗ, đồng thời đấm mạnh liên tục vào bụng bà, cho đến khi bà gục ngã xuống đất và bất động.
Ảnh cắt từ clip
Lúc này, một người phụ nữ bế con từ bên ngoài đi vào. Nhìn thấy cảnh này, phản ứng đầu tiên của cô không phải là lao vào xem tình hình của bà ra sao mà là chạy đến, tiếp tục đánh đứa trẻ.
Ảnh cắt từ clip
Đoạn video dài vỏn vẹn 3 phút nhưng khiến ai cũng bàng hoàng. Không hiểu đứa cháu đã mắc lỗi gì nhưng có thể thấy cả người lớn và trẻ nhỏ xuyên suốt clip chỉ có bạo lực. Bà đánh cháu, cháu đánh lại bà và thêm một người phụ nữ chạy vào đánh đứa trẻ.
Bạo lực khuất phục bạo lực, như thể bạo lực là ngôn ngữ duy nhất giữa họ. Không ai biết tình hình sức khỏe của người bà sau đó ra sao, nhưng những vấn đề này phơi bày sự thật gây nhức nhối về giáo dục con trẻ.
Dùng bạo lực để kiểm soát chỉ sinh ra bạo lực
Dùng bạo lực để kiểm soát bạo lực sẽ chỉ sinh ra bạo lực, và hình thành một hệ sinh thái gia đình đáng báo động như trong video.
Trong việc giáo dục trẻ không phải mọi thứ đều có thể giải quyết bằng roi vọt. Những bài học phù hợp có thể khiến trẻ nhớ nỗi đau và không phạm sai lầm, nhưng bạo lực thái quá sẽ chỉ khiến nhân cách trẻ ngày càng trở nên méo mó.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp đủ loại trẻ, trầm tính, sôi nổi, hay hiền lành, cáu gắt,... Tại sao trẻ em cư xử rất khác nhau? Nhà tâm lý học người Mỹ Bandura đã tiến hành một thí nghiệm với 72 trẻ em từ 3-6 tuổi từ Trường mẫu giáo Stanford.
Đối với lứa trẻ đầu tiên, nhân viên sẽ cung cấp video người lớn đánh búp bê để trẻ quan sát trước, sau đó đưa trẻ đến phòng thí nghiệm để xem trẻ có thể chơi với búp bê hay không. Nhóm trẻ thứ hai không xem video mà được nhân viên trực tiếp mang con búp bê lớn vào phòng thí nghiệm để xem thái độ của chúng.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, nhóm trẻ đầu tiên xem hành vi bạo lực sẽ bắt chước cảnh chúng vừa thấy sau khi bước vào phòng, sẽ đấm, đá và đánh búp bê. Nhóm trẻ thứ hai không thấy hành vi bạo lực cũng không tỏ ra ác cảm với búp bê khi bước vào phòng thí nghiệm, thậm chí còn chơi với chúng.
Kết quả nghiên cứu diễn ra gần giống với dự đoán của Bandura. Cụ thể, trẻ chứng kiến hành vi bạo lực của người lớn với búp bê Bobo có xu hướng bắt chước lại hành vi này khi không có ai giám sát. Ngược lại, trẻ không chứng kiến hành vi bạo lực tỏ ra bình tĩnh. Nhìn chung, bé trai dễ trở nên bạo lực hơn bé gái, đặc biệt khi chứng kiến đàn ông đánh Bobo. Bé trai thường bắt chước hành vi bạo lực thể chất, còn bé gái bắt chước lời nói.
Như nhiều thí nghiệm khác, thí nghiệm Búp bê Bobo vấp phải các chỉ trích. Dù vậy, cho đến nay, thí nghiệm này vẫn là một trong những thí nghiệm tâm lý học nổi tiếng nhất và được đưa vào nhiều giáo trình. Búp bê Bobo được sử dụng trong thí nghiệm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Tâm lý Quốc gia Mỹ ở Akron, bang Ohio.
Bắt chước là khả năng học tập mạnh mẽ nhất mà trẻ em được sinh ra. Chúng sẽ quan sát những người xung quanh, những hình ảnh được chiếu trên TV và thậm chí một hành động nhỏ của một người lạ đi ngang qua cũng sẽ được trẻ bắt chước. Hay nói cách khác, bạo lực của người lớn dẫn đến bạo lực của trẻ em. Nếu trẻ đột nhiên học được những hành động chửi thề và đánh người thì khả năng cao là trẻ bắt chước những hiện tượng mà trẻ quan sát được xung quanh.
Không có gì ngạc nhiên khi kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ em bị bạo lực gia đình trong thời gian dài có tỷ lệ hành vi xấu cao hơn đáng kể so với những đứa trẻ khác. Khi giáo dục trẻ chỉ biết dùng bạo lực, trẻ bất mãn và chống cự thì tất nhiên trẻ chỉ biết dùng bạo lực.
Những đứa trẻ được dạy bạo lực từ nhỏ, chuyện gì đã xảy ra sau đó?
Một cư dân mạng nói: "Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi đã đánh tôi rất nhiều. Khi đó, dù im lặng chịu trận nhưng trong lòng tôi nghĩ: cứ chờ xem, khi nào tôi lớn lên có sức đánh trả, nhất định sẽ đánh lại". Suy nghĩ của người này, cậu bé trong video hay nhiều đứa trẻ khác có thể đã nghĩ đến.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một mảnh giấy trắng. Chỉ là khi cha mẹ dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề mới để lại mầm mống hận thù trong lòng con. Một ngày nào đó hạt giống này sẽ nảy mầm và lớn lên, khiến họ dần xa cách cha mẹ, hoặc trở thành một phiên bản tương tự.
Từng có 1 tâm sự như thế này: "Tính cách của tôi bây giờ hơi bạo lực. Tôi cũng không muốn như vậy, nhưng mỗi khi gặp mâu thuẫn gì, tôi luôn cư xử hung hăng và dùng bạo lực bằng lời nói hoặc thể xác để giải quyết vấn đề".
Một người cha nói: "Có lần tôi không nhịn được đánh con, sau đó tôi chợt thấy: Bộ phận, động tác và cả biểu cảm của tôi giống hệt bố mình lúc đánh tôi khi còn nhỏ. Một cách vô thức, tôi đã sao chép hoàn toàn hành động của bố và trở thành người mà tôi ghét nhất. Buồn hơn nữa, tôi thấy mình thường không thể kiềm chế được việc đánh đòn con mình".
Thói quen bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành mà còn di truyền bạo lực qua các thế hệ sau. Con càng muốn thoát ly cha mẹ về mặt tâm lý bao nhiêu thì càng xích lại gần bấy nhiêu trong việc sao chép hành vi.
Suy cho cùng, những vết sẹo trên cơ thể đứa trẻ vẫn có cơ hội lành lặn, nhưng thói quen bạo hành thì không thể thay đổi, nó tồn tại vĩnh viễn. Khi bạo lực thống trị mọi thứ, tình yêu biến mất; khi tình yêu thống trị mọi thứ, bạo lực không tồn tại.
Theo Phụ nữ Việt Nam