Đổ vỡ hôn nhân vì ‘ngoại tình tài chính’

29/05/2023 07:19

Khúc mắc tài chính là lý do phổ biến dẫn đến ly hôn. Các cặp vợ chồng có thể bất đồng trong chi tiêu hoặc trở nên xa cách vì sự khác biệt về thu nhập.

Đổ vỡ hôn nhân vì ‘ngoại tình tài chính’-1Cách các cặp vợ chồng thống nhất chi tiêu có thể ảnh hưởng đến mỗi quan hệ của họ. Ảnh minh họa: Eko Alagarov/Pexels.

Nữ diễn viên Gabrielle Union và ngôi sao NBA Dwayne Wade có một trong những cuộc hôn nhân vững chắc nhất tại Hollywood. Ngoài tình yêu đích thực, bí quyết của họ có thể liên quan đến thói quen chi tiêu.

Union nói rằng họ luôn chia đôi chi phí chung. Lời thừa nhận này khiến một số phương tiện truyền thông phải ngạc nhiên, theo EL PAÍS.

Tuy nhiên, tiền là chủ đề tế nhị đối với các cặp vợ chồng, theo nhà tâm lý học María Palau.

“Đây là một trong những lý do phổ biến nhất khiến các cặp vợ chồng đi trị liệu. Điều này có thể liên quan đến sự khác biệt thu nhập của mỗi người, bất bình đẳng tài chính, bất đồng về chi tiêu chung, nợ cá nhân, cách quản lý khác nhau và lối sống cá nhân”, bà giải thích.

“Ngoại tình tài chính”
Pepe Maciá, chuyên gia tài chính, hướng dẫn khách hàng chia tài chính của họ thành 3 loại: du lịch, giao lưu xã hội, chi tiêu cá nhân.

Trong hạng mục giao lưu xã hội và du lịch, các cặp đôi có 3 xu hướng khác nhau.

Thứ nhất, đóng góp mỗi người một nửa chi phí chung, sau đó tiền ai nấy giữ phần còn lại.

“Cách này hiệu quả khi hai người kiếm được số tiền như nhau, bởi vì không có gì để so sánh. Nếu thu nhập chênh lệch, người kiếm được ít hơn có thể cảm thấy họ không còn gì để chi tiêu cho riêng mình. Vì vậy, họ sẽ phải xoay xở với số tiền còn lại hoặc xin đối tác chu cấp. Trong cả hai trường hợp, họ có thể cảm thấy kém cỏi”, ông giải thích.

Một phương pháp khác là mỗi người đóng góp cùng tỷ lệ thu nhập của mình, tùy thuộc vào sự khác biệt tiền lương.

“Theo cách đó, người kiếm được nhiều hơn sẽ đóng góp phần hơn vào chi phí chung. Tuy nhiên, họ có thể cảm thấy mình bị thua thiệt, không còn nhiều tiền để chi tiêu cá nhân”, ông nói.

Lựa chọn cuối cùng là hợp nhất tài chính và chi tiêu từ đó.

“Ở đây, người thu nhập cao hơn cũng có thể cảm giác họ phải được tiêu thoải mái hơn vì đóng góp nhiều tiền hơn. Người kiếm được ít hơn có thể sợ tiêu tiền vì họ cảm thấy không phải tất cả số tiền đều là của mình”, ông giải thích.


Đổ vỡ hôn nhân vì ‘ngoại tình tài chính’-2Chênh lệch về thu nhập và mức đóng góp cho khoản chi tiêu chung cũng có thể gây ra nhiều vấn đề giữa các cặp vợ chồng. Ảnh: Antoni Shkraba Production/Pexels.

Tài chính cá nhân và tiền lương vẫn là chủ đề cấm kỵ, nhưng nói về chúng là điều quan trọng để đảm bảo mối quan hệ bền vững.

Trong cuộc thăm dò từ creditcards.com, 1/3 số người được hỏi thừa nhận chi tiêu nhiều hơn mức mà đối tác của họ có thể chấp nhận được; ôm nợ bí mật; giữ bí mật thẻ tín dụng, quỹ đen hoặc tài khoản tiết kiệm.

Để tránh những sai lầm về tài chính đó, đôi bên phải giải quyết mâu thuẫn gây ra khi vợ hoặc chồng muốn mua thứ gì đó theo ý thích hay tự thưởng cho mình món quà xa xỉ, trái với ý muốn của nửa kia.

Theo Pepe Maciá, điều đầu tiên là phải xác định xa xỉ là gì, dành cho ai và giá bao nhiêu.

“Đối với một số người, thứ xa xỉ có thể là tivi 50 inch, nhưng người khác lại thấy ôtô là cần thiết. Đó là lý do chúng ta cần ngồi lại với bạn đời để nói về tài chính cá nhân, cách sử dụng tiền. Chúng ta có thể giải quyết những khác biệt đó bằng cách thảo luận trước về vấn đề này và lập kế hoạch chi tiêu”.

Thẳng thắn với nhau
Nhà tâm lý học María Palau nói rằng điều quan trọng là tìm ra điểm trung gian giữa nhu cầu của cả hai người trong một mối quan hệ.

“Không phải là thay đổi bản chất của một trong hai người, mà là kết hợp các thái cực lại với nhau. Điều đó có thể liên quan đến đàm phán, nhượng bộ hoặc tìm giải pháp thay thế sáng tạo. Ví dụ, mỗi người thường có cùng một số tiền để chi tiêu cho những thứ xa xỉ cá nhân hoặc đề ra quy tắc để mỗi người đều cảm thấy thoải mái”.

Tính linh hoạt cũng rất quan trọng. Mặc dù có những cuộc trò chuyện là phần thiết yếu để giải quyết xung đột, các mối quan hệ không hoàn hảo. Cần có sự tự do và tin tưởng.

“Cả hai bên đều có trách nhiệm cẩn thận với quyền tự do cá nhân và lòng tin của người kia”, bà nói.


Đổ vỡ hôn nhân vì ‘ngoại tình tài chính’-3Các cuộc trò chuyện thẳng thắn về vấn đề tài chính giúp duy trì hôn nhân bền vững hơn. Ảnh: Kampus Production/Pexels.

Ngoài ra, quà tặng có thể nguy hiểm khi liên quan đến tài chính của các cặp vợ chồng.

Pepe Maciá lưu ý rằng chúng là một trong những khoản chi phụ gây ra nhiều tranh chấp nhất trong các gia đình.

Ông khuyên mọi người không nên tặng những món quà bất ngờ mà nên dành ngân sách cho chúng vào những dịp định sẵn hàng năm, chẳng hạn như Giáng sinh, sinh nhật và ngày kỷ niệm. Mỗi người có thể có một giới hạn chi tiêu.

María Palau nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là thể hiện lòng biết ơn đối với món quà của đối tác. Tuy nhiên, nếu sự khác biệt về chi phí quà tặng trở thành vấn đề lặp đi lặp lại trong mối quan hệ, điều quan trọng là phải nói về vấn đề này và kỳ vọng của mỗi người.

Và nếu cần, hãy thống nhất về giới hạn kinh tế để tránh hiểu lầm và oán giận.

Chi tiêu không công bằng có thể dẫn đến xung đột.

Palau giải thích: “Liên quan đến sự bất bình đẳng trong chi tiêu, trong một số trường hợp, người kiếm được ít tiền hơn có thể cảm thấy không an toàn và có ít quyền đưa ra quyết định nhất định, thậm chí có tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến chi phí kinh tế. Do đó, nó có thể ảnh hưởng đến vai trò của họ trong mối quan hệ và khả năng tham gia vào các kế hoạch dài hạn”.

“Mặt khác, người kiếm được nhiều tiền hơn có thể gặp áp lực phải gánh vác trách nhiệm tài chính, cảm thấy đối tác ít tham gia hơn hoặc thậm chí phát triển cái gọi là hội chứng vị cứu tinh và đòi hỏi quá nhiều ở bản thân”, ông nói thêm.

Theo các chuyên gia, thật không may, vấn đề này trở nên trầm trọng hơn khi trong một cặp vợ chồng dị tính, phụ nữ là người kiếm được nhiều tiền hơn.

Maciá nói: “Hiện nay, có rất nhiều gia đình mà phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn đàn ông. Tôi nghĩ tâm lý hòa hợp của các cặp vợ chồng trẻ ngày càng phổ biến”.

“Trong một đội bóng, cầu thủ ghi bàn và người cản phá đều có quyền giành cúp như nhau. Một người có thể giỏi hơn đối tác của họ ở một số điểm và kém hơn ở những điểm khác. Kiếm được nhiều tiền hơn không cho họ quyền cảm thấy mình vượt trội. Tương tự với người đóng góp ít tiền hơn, họ không nên cảm thấy thấp kém”, ông nói thêm.

Theo Zing

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đổ vỡ hôn nhân vì ‘ngoại tình tài chính’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO