Nhiều nhóm tội phạm ở Trung Quốc đã cố tình cho đặt các thùng đựng đồ đã qua sử dụng để thu thập quần áo và các đồ vật cũ sau đó bán lấy tiền.
Cô Xia Yiming sinh sống ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc thường mang quần áo đã lỗi mốt hoặc không còn vừa người cho vào các thùng đựng quần áo từ thiện.
Quần áo và đồ đạc đã qua sử dụng trở thành nguồn thu lớn cho các tổ chức từ thiện giả mạo ở Trung Quốc. (Ảnh: copyfuture.com) |
“Chúng tôi vẫn luôn giữ lại quần áo cũ và chờ ngày tặng lại cho những người họ hàng nghèo hoặc những công nhân dọn vệ sinh, nhưng hiện tại rất ít người muốn mặc lại quần áo cũ nên tôi chuyển sang cho vào các thùng quyên góp”, cô Xia nói với China Daily.
Đây cũng là cách cô Xia giúp bố mẹ mình bỏ bớt đống đồ đạc không còn được sử dụng trong nhà.
“Số đồ vật này giúp được những người cần và còn giúp ngôi nhà của bố mẹ tôi được ngăn nắp và sạch sẽ. Thế hệ người già như bố mẹ tôi thường có thói quen tích trữ”, cô Xia nói thêm.
Tuy nhiên, cô Xia đã vô cùng bàng hoàng khi biết chuyện một số thùng đựng đồ quyên góp lại phục vụ cho lợi ích kiếm tiền của tội phạm. Cụ thể, thông qua các thùng đựng đồ đã qua sử dụng với mục đích làm từ thiện, các đối tượng phạm tội sẽ vơ vét đồ cũ, và sau đó bán kiếm lời bất chính.
Giờ đây, cô Xia đã cảnh giác hơn và thận trọng xem chứng chỉ được dán trên các thùng đồ cũ trước khi để đồ vào. Cô Xia còn có cách làm mới để có thể đưa những đồ vật đã qua sử dụng tới đúng tay người cần. Theo đó, cô sẽ gói ghém quần áo cũ vào một chiếc túi và để ở lối vào tòa nhà, đồng thời công bố thông tin trong nhóm cư dân qua tài khoản WeChat như “Có quần áo cũ phù hợp với người trên 60 tuổi. Hãy đến lấy tự nhiên”.
Nhiều người dùng mạng xã hội cũng đã để lại bình luận chỉ trích gay gắt sau khi đọc các bài báo tố giác nhiều kẻ lợi dụng việc làm từ thiện của người khác để kiếm lời.
“Tôi rất buồn nếu chuyện này chỉ làm lợi cho một cá nhân nào đó”, một bình luận viết trên Baidu.
“Vậy giờ làm thế nào để bỏ đống đồ cũ đi? Tại sao chính quyền không can thiệp? Những quần áo cũ này là dành cho người cần, chứ không phải cho những kẻ tham lam”, một người khác viết.
Hồi đầu năm nay, một cuộc điều tra của trang tin The Paper đã tiết lộ rằng nhiều tổ chức từ thiện giả mạo đang bán quần áo được lấy từ các thùng quyên góp để bán trên các nền tảng mua sắm trực tuyến như Taobao. Thậm chí, một số người bán còn đăng thông tin quảng cáo bán các thùng có in dòng chữ như “Tổ chức từ thiện”, “Phúc lợi xã hội” hay “Bảo vệ môi trường” để chúng thành điểm tập kết đồ cũ hợp pháp.
Trên các nền tảng mua sắm trực tuyến, những thùng đựng đồ này được bán với giá rất rẻ chỉ từ 400 nhân dân tệ (63 USD).
Cũng theo điều tra của The Paper, giá 1 tấn quần áo cũ là 2.200 nhân dân tệ (333 USD). Một tổ chức từ thiện giả mạo đã tiết lộ rằng đây là “ngành kinh doanh vừa dễ, vừa nhanh kiếm được tiền” với doanh thu hàng năm lên tới 600.000 nhân dân tệ (90.700 USD).
Thùng đựng đồ cũ in dòng chữ làm từ thiện được bán nhan nhản trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. (Ảnh: WeChat) |
Tại Trung Quốc, các thùng chứa đồ từ thiện giả mạo đang xuất hiện nhan nhản mà đặc biệt là ở các thành phố quy mô nhỏ hơn, dù đây là hành động bất hợp pháp.
Giới chức địa phương gặp không ít khó khăn trong công tác xác minh và quản lý số thùng đựng đồ đã qua sử dụng được đặt ở khắp nơi. Vệc theo dõi những tổ chức quản lý các thùng đựng đồ cũ đã vốn mất rất nhiều thời gian, việc chứng minh đây là hành động sai trái lại càng khó khăn hơn.
Ông Wang Zhenyao, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Thiện nguyện Trung Quốc, cho hay các thùng đựng đồ từ thiện giả đã bắt đầu bùng nổ với số lượng cực lớn trong những năm gần đây, do không còn nhiều người muốn mặc quần áo cũ của người khác.
“Hoạt động từ thiện bắt đầu vào thập niên 90. Nhưng sau đó, không có bất cứ doanh nghiệp tư nhân hay tổ chức xã hội tham gia khiến các ban ngành dân sự buộc phải quản lý số quần áo cũ được quyên tặng, và phân bổ chúng cho người cần qua các trung tâm từ thiện ở khu dân cư”, ông Wang nói với Red Star News.
Hồi tháng Tư, Bộ Dân chính Trung Quốc đã ban hành thông báo nhắc nhở người dân về việc hoạt động từ thiện giả mạo là phạm pháp và sẽ bị xử lý.
Trong thông báo, Bộ Dân chính Trung Quốc nhấn mạnh một số cá nhân và tổ chức không đủ tiêu chuẩn đứng lên kêu gọi từ thiện đã thu thập quần áo cũ với danh nghĩa “làm từ thiện” hoặc phục vụ “lợi ích xác hội”. Đây bị xem là hành động vi phạm Luật Từ thiện, xâm phạm các quyền lợi chính đáng của người quyên góp, làm xấu hình ảnh của hoạt động từ thiện và bị cấm.
Hồi năm ngoái, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã triệt phá 4 tổ chức từ thiện giả mạo với mức xử phạt 20.000 nhân dân tệ (3.050 USD), cũng như loại bỏ toàn bộ số thùng chứa đồ cũ bất hợp pháp. Còn vào năm 2020, các quan chức ở khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã cho tháo bỏ 172 thùng chứa đồ từ thiện giả mạo.
Minh Thu (lược dịch)