Các cụ có câu “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” quả thật cấm có sai. Ngày xưa khi tôi sinh con gái lớn, gia đình nhà chồng không thật sự thoải mái trong lòng, tôi biết nhưng để hết ngoài tai. Với một người phụ nữ, con cái là tất cả bất kể đó là con trai hay con gái.
Tôi đặt tên con bé là Thu, mong rằng tính cách và cuộc đời của con gái sẽ nhẹ nhàng, dịu dàng giống như mỗi lần mùa thu về.
Dưới sức ép của gia đình, họ hàng nhà chồng tôi vẫn thản nhiên và chăm bẵm con gái lớn đến tận năm nó học lớp 5 mới quyết định sinh thêm đứa nữa cho chúng nó có chị có em. Thật sự con gái tôi chưa từng khiến ai phật lòng, thậm chí nhà nội ban đầu còn có chút phân biệt đối xử, càng về sau càng yêu quý con bé. Con bé quả thật là một đứa trẻ khiến ai cũng sẽ yêu mến nó.
Thu từ ngày có em càng ra dáng đàn chị, ở trường thì học giỏi về nhà thì giúp đỡ bố mẹ hết việc nọ đến việc kia, ra đường thì ngoan ngoãn lễ phép. Nhiều khi tôi cảm thân bản thân may mắn vì dù không mất quá nhiều công sức nhưng vẫn nuôi dạy được một cô con gái như vậy.
Từ cấp 1, Thu năm nào cũng được học sinh giỏi. Con bé hay quấn mẹ nên cũng chẳng mấy khi đi chơi với chúng bạn, thời gian phần lớn là ở nhà học bài, loanh quanh chơi với mẹ với em. Rảnh rang hơn một chút sẽ đọc sách, đọc truyện.
Cấp 2 tương đối vất vả với Thu một chút vì con học trường điểm. Tôi không phải dạng phụ huynh đam mê thành tích nên chưa từng đặt áp lực học tập cho con. Không ít lần lờ mờ nhận thấy con hơi quá tải với việc học, tôi liền ngồi xuống nói chuyện xem con có muốn đổi môi trường học tập khác bớt áp lực hơn không.
Tuy nhiên, Thu là một cô bé rất thích học và nghiêm túc với việc học. Tôi dù có thương con đến mấy cũng phải tôn trọng quyền quyết định của con. Và sự lựa chọn của con gái tôi đã đúng đắn khi con bé đỗ vào một trường cấp ba top 5 của thành phố với tỉ lệ chọi và điểm chuẩn khá là “khủng”, thậm chí còn đạt điểm gần như tuyệt đối, trở thành á khoa của trường chỉ sau một bạn khác.
Con bé vui vẻ cắp sách tới ngôi trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới. Khoảng thời gian học kỳ I lớp 10, tôi thấy Thu hay dắt 3 người bạn khác về nhà xin phép bố mẹ cho học tập, chơi, ăn uống cùng nhau. Thấy 4 đứa trẻ mới lớn tíu tít với nhau tôi và chồng đương nhiên chẳng phản đối gì rồi.
Cứ thế hết học kỳ I lớp 10, khi đi họp phụ huynh, tôi nhận ra thành tích học tập của con bé có vẻ giảm sút, nhưng vốn không phải là người mẹ đặt nặng thành tích, cộng với lo lắng sẽ gây áp lực cho con nên tôi gần như không đả động đến chuyện tại sao con mình bỗng nhiên học tập kém hơn trước. Đây là sai lầm đầu tiên của tôi.
Có một lần, dì út của con bé gọi điện cho tôi và nói rằng buổi chiều tan học nó đạp xe thẳng vào nhà dì rồi ôm dì khóc nức nở. Hỏi chuyện thì nhất quyết nó không nói. Nhà dì út của cái Thu khá gần trường, tôi bỗng nhiên có linh cảm con gái mình đang gặp vấn đề nào đó ở trường học.
Từ ấy, tôi cũng nhận ra cái Thu rất lâu rồi không dẫn 3 đứa bạn thân kia về chơi nữa, mỗi lần tôi hỏi đến thì con bé không nói gì nhưng nét mặt buồn hẳn đi. Nếu là bình thường, có lẽ tôi đã nghĩ chắc là trẻ con giận dỗi nhau vớ vẩn, nhưng lúc này tôi đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ bạn bè của con gái.
Thế rồi chuyện khiến cả nhà tôi bàng hoàng nhất đã đến. Kết thúc lớp 10, con gái tôi là học sinh yếu với điểm phẩy môn Toán chỉ có 3,2 và các môn khác như Tiếng Anh vốn là môn học tủ của con nhưng cũng giảm sút đi rất nhiều. Lúc này tôi không thể yên lặng được nữa.
Thế nhưng để con gái có thể mở lòng không hề đơn giản, ở cái độ tuổi 16 - 17, có rất nhiều chuyện với người lớn là tủn mủn nhưng lại quá đỗi kinh khủng với chúng. Tôi đã bàn bạc với em gái mình và quyết định đưa con gái đi du lịch nghỉ dưỡng cùng gia đình một tuần.
Sau vài lần cố gắng gặng hỏi, cuối cùng con gái tôi cũng nức nở khóc và kể chuyện mình đang phải chịu đựng ở lớp học. Ban đầu, con bé chơi thân với 4 bạn nữ kia, nhưng càng về sau vì thì có lẽ vì không hợp tính nên 4 bạn trong nhóm càng ngày càng xa cách con.
Chuyện nếu chỉ có vậy thì cũng chẳng có gì, thế nhưng vì đã từng thân, đám nhỏ đã từng tâm sự rất nhiều chuyện với nhau, có cả chuyện gia đình, người thân, cũng có cả những sở thích giấu bố mẹ và cả về chàng trai mình cảm nắng. Sau khi không còn là bạn bè nữa, những đứa trẻ kia thường xuyên lấy chuyện của con để kể với những người khác. Thậm chí còn tìm mọi cách để cô lập con bé, cứ hễ ai muốn tiếp cận, thân thiết với con bé thì những đứa trẻ ấy sẽ cô lập, tẩy chay cả người đó.
Dần dà, con gái tối lủi thủi một mình trong lớp, không dám nói với giáo viên, không dám kể với gia đình. Ngồi trong lớp luôn ám ảnh bởi từng câu nói của bạn bè, lúc nào cũng có cảm giác như họ đang xúm vào nói xấu mình. Kinh khủng hơn, con gái tôi nghĩ việc mình bị cô lập như vậy là do nhân cách của mình không tốt, con bé ngày càng ghét bỏ chính bản thân mình.
Tôi thật lòng không bận tâm đến việc ai đó không ưa con mình, tôi không thể ép cả thế giới phải tử tế với con bé được. Điều khiến tôi bận lòng đó là phải làm sao để con gái không còn suy nghĩ cực đoan về chính mình như vậy nữa.
Tôi quyết định chuyển trường cho con. Để con bé học ở một trường công lập bình thường với sự đồng ý của con bé.
Tôi hiểu việc chuyển trường chỉ là biện pháp nhất thời nhưng điều tôi cần làm nhất lúc này là tách con mình ra khỏi môi trường khiến nó sợ hãi.
Hiện tại, con gái tôi đã làm quen được với môi trường mới, nó khá dè dặt trong việc chơi thân thiết với ai đó, điều này tôi hiểu. Thế nhưng, tôi mừng vì sự vui vẻ hoạt bát của con gái đã quay trở lại. Và tôi cũng thấy quyết định dứt khoát của mình là đúng đắn cho đến thời điểm hiện tại.
Theo phunuvietnam.vn