Một chiếc xe từ từ lăn bánh ra khỏi cổng. Giới truyền thông đợi sẵn đã đồng loạt chĩa máy ảnh vào. Djokovic ngồi ở ghế sau, đeo khẩu trang kín mặt và chẳng thèm đoái hoài gì đến bên ngoài.
Trong phiên xử sáng nay (giờ địa phương), Tòa án liên bang đã bác bỏ những khiếu nại của Djokovic và các luật sư, bảo vệ quyết định của Bộ trưởng Nhập cư Úc Alex Hawke về hủy bỏ thị thực nhập cảnh với tay vợt người Serbia. Novak Djokovic chính thức bị trục xuất khỏi Úc.
Chánh án James Allsop thông báo tòa nhất trí bác đơn của Djokovic, tay vợt này phải rời khỏi Úc ngay lập tức và chi trả mọi chi phí phát sinh. Ông Allsop nói quyết định này không phản ánh giá trị hay sự khôn ngoan nào mà chỉ là thực thi luật pháp.
Trả lời hãng tin News của Úc, Novak Djokovic nói: “Tôi tôn trọng phán quyết của tòa án và sẽ hợp tác với các cơ quan hữu quan liên quan đến việc tôi rời khỏi đất nước này. Tôi không thoải mái khi cả tuần qua mọi sự tập trung dồn vào mình và hi hy vọng giờ đây tất cả có thể tập trung vào trận đấu và giải đấu mà tôi yêu thích. Tôi xin chúc các tay vợt, nhân viên, tình nguyện viên và người hâm mộ ở đây những điều tốt đẹp nhất”.
Djokovic dự định dành thời gian nghỉ ngơi và hồi phục trước khi đưa ra kế hoạch tiếp theo.
Trở lại phiên tòa, các luật sư của Djokovic lập luận rằng Bộ trưởng Nhập cư Alex Hawke quyết định hủy thị thực lần hai là "phi logic, không hợp lý”, và chỉ dựa trên những tuyên bố công khai của Djokovic về việc tiêm phòng, chứ không thực sự tìm kiếm chứng cứ xác thực.
Nhóm cố vấn pháp lý của tay vợt này còn cho rằng ông Alex Hawke đã không xem xét đến tác động việc hủy thị thực, có thể gây ra bất ổn dân sự và tâm lý bài vắc xin tại Úc, đúng như những gì ông Alex Hawke từng tuyên bố trong ngày hôm qua.
Tuy nhiên, tại tòa, cố vấn của Bộ trưởng là Stephen Lloyd lập luận rằng Úc “không nhất thiết phải chịu sự hiện diện của trường hợp ngoại lệ nào chỉ vì lo sợ xảy ra những chuyện mà Chính phủ đã kiên quyết thực hiện”. Việc sử dụng quyền lực của Bộ trưởng để hủy bỏ thị thực đi kèm với lệnh cấm tái nhập cảnh vào Úc ba năm, là phù hợp với lợi ích của đất nước và đúng luật định.
Tuyên bố sau phiên tòa, theo tờ The Age, Bộ trưởng Alex Hawke hoan nghênh quyết định của tòa án. Ông cho rằng “các chính sách bảo vệ biên giới mạnh mẽ của Úc vừa giữ an toàn trong thời kỳ đại dịch vừa là nền tảng để bảo vệ sự gắn kết xã hội. Người Úc đã hy sinh rất nhiều để có được thành quả như thời điểm này và chính phủ Morrison cam kết bảo vệ vị trí này, như người dân Úc mong đợi”.
Theo tờ Guardian, Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng cho rằng quyết định của tòa án là “giữ cho biên giới của chúng ta bền chặt và giữ an toàn cho người Úc. Bây giờ là lúc Australian Open bắt đầu và mọi người cùng thưởng thức quần vợt”.
Hiệp hội quần vợt nhà nghề - ATP cho rằng Djokovic vắng mặt tại giải là điều đáng tiếc nhưng cho rằng các quyết định của cơ quan pháp luật liên quan đến sức khỏe cộng động là điều phải tôn trọng. Tất cả cần thêm thời gian để sâu chuỗi lại các sự kiện và rút ra bài học.
Tuy nhiên, Djokovic cũng có sự ủng hộ nhất định tại Úc, đặc biệt là các đối thủ chính trị của Thủ tướng Scott Morrison. Bà Kristina Kenally, người phát ngôn của đảng Lao động cho rằng Chính phủ đương nhiệm tự biến mình thành trò cười trên trường quốc tế: “Lập luận của họ trước tòa là sự hiện diện của Djokovic có thể thúc đẩy phong trào chống tiêm chủng. Thế thì chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao Chính phủ lại cấp thị thực cho anh ta đến đây ngay từ đầu?”
Chưa rõ Djokovic có bị cấm nhập cảnh Úc trong 3 năm tiếp theo như luật định hay không. Nhưng chắc chắn tay vợt 34 tuổi này không thể bảo vệ danh hiệu vô địch Australian Open và chưa thể phá tạo kỷ lục 21 Grand Slam. Vắng Federer và Djokovic, Australian Open năm nay sẽ thiếu hấp dẫn.