Đường tranh bích họa Mân Thái được thực hiện tại các kiệt, hẻm liền kề khu vực Lăng Ông, thuộc tổ 12, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng với tổng chiều dài gần 400 m, diện tích hơn 1.200 m2 và tổng trị giá đầu tư 600 triệu đồng. Con đường này khai trương ngày 29/8/2022. Với chủ đề “Câu chuyện làng chài”, đường bích họa nằm trong Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái” của UBND TP Đà Nẵng. Dựa trên điều kiện sẵn có, Đà Nẵng định hướng quy hoạch phát triển khu vực phía Tây tuyến Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp (thuộc 2 phường Thọ Quang, Mân Thái) thành khu phố bích họa, khu lưu trú homestay, du lịch tín ngưỡng dân gian và bán đặc sản làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên, sự kỳ vọng từ phố bích họa Mân Thái không như mong đợi. Ghi nhận của VTC News ngày 24/9, dù là ngày nghỉ cuối tuần, thời tiết khá dịu mát nhưng toàn khu phố bích họa Mân Thái không một bóng khách tham quan, chụp ảnh. Thêm đó, những mảng màu nằm ở chân tường đã bắt đầu vỡ, bạc màu khiến những bức họa không còn giữ được nét đẹp như ban đầu.
Khu vực trung tâm tuyến phố bích họa "Câu chuyện làng chài" vắng lặng dù là ngày nghỉ. Chị Tuyết (trú tổ 12, phường Mân Thái) cho biết, thời gian đầu khai trương, gia đình chị bày bàn nhỏ bán sản phẩm truyền thống cho du khách đến tham quan, chụp hình cũng thu về khoản kinh tế kha khá. Tuy nhiên, chỉ được thời gian đầu, sau đó khách vắng dần và đến nay thì gần như không có ai nên chị cũng không bày bán hàng nữa.
Theo ông Lê Văn Trước (83 tuổi, trú tổ 12, phường Mân Thái), nguyên nhân phố bích họa "chết yểu" là vì nhiều có nhiều điểm chưa hợp lý khi thực hiện. "Đã là đường bích họa thì phải bố trí theo tuyến dài, thoáng, dễ quan sát chứ không nên thực hiện trong những kiệt, hẻm quá nhỏ như ở đây. Cạnh đó, những bức họa tại đây không thể hiện đầy đủ, sát với lịch sử hình thành, phát triển của làng biển Mân Thái này. Tôi là dân gốc ở đây nhưng xem hết các bức họa thì chỉ có vài bức thể hiện được thực tế cuộc sống, sinh hoạt của người bản địa", ông Trước chia sẻ.
Cũng theo ông Trước, vì phố bích họa thực hiện trong các kiệt, hẻm, lại là khu vực nhà dân có diện tích nhỏ nên việc giữ gìn vệ sinh, mỹ quan cũng là vấn đề gây khó cho người dân. Nhiều gia đình dù không muốn nhưng vẫn phải để các vật dụng ra ngoài vì trong nhà quá chật chội, làm xấu đi hình ảnh phố bích họa.
"Thật sự cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân trong phố bích họa khá bức bí. Như gia đình tôi, dựng cái xe máy trong kiệt cũng khó, đặt chậu hoa trên thềm cũng không ổn, rồi đến chuyện phơi quần áo trên sân thượng không biết phải làm sao cho hợp lý. Mong sao địa phương, ngành chức năng có hướng giải quyết làm sao để phố bích họa phát huy hiệu quả, cuộc sống, sinh hoạt của người dân thoải mái hơn", ông Trước bày tỏ.
Những tuyến bích họa thực hiện chạy theo các con kiệt, hẻm qua nhỏ, ngoằn ngoèo và đang phai nhạt là nguyên nhân khiến khu phố "Câu chuyện làng chài" vắng khách, không phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Phố bích họa Mân Thái với những hạn chế như lối tiếp cận khu vực bị khuất tầm nhìn, hạ tầng lộn xộn, xuống cấp, một số nơi vệ sinh môi trường chưa tốt đã khiến dự án không phát huy hiệu quả.
Nhằm tránh tình trạng đường tranh “chết yểu”, ông lãnh đạo UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu, xây dựng nội dung đăng ký đường tranh bích họa phường Mân Thái thành điểm đến du lịch trên địa bàn, đồng thời yêu cầu đơn vị nghiên cứu tập gấp giới thiệu đường tranh gửi ở sân bay, khách sạn trên địa bàn. Cùng đó, cơ quan chức năng yêu cầu phường Mân Thái tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và xác định đường tranh bích họa là điểm đến du lịch tại địa phương để có cách ứng xử phù hợp với du khách ghé lại.