Các mục tiêu của chế độ ăn uống tốt cho người bệnh tim
Mục tiêu của chế độ ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch là ăn các loại thực phẩm giúp duy trì mức cholesterol và huyết áp khỏe mạnh.
Để có một trái tim khỏe mạnh, điều quan trọng cần thực hiện các chế độ ăn uống sinh hoạt nhắm tới các mục tiêu như: Giảm cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL hay còn gọi là cholesterol xấu), có hại cho tim mạch. Tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL hay còn gọi là cholesterol tốt). Kiểm soát huyết áp (các chỉ số huyết áp 120/80 mmHg được coi là bình thường; các chỉ số 140/90 mmHg hoặc cao hơn cho thấy tăng huyết áp và cần bắt đầu dùng thuốc.). Duy trì cân nặng hợp lý.
Người bệnh suy tim nên ăn uống như thế nào?
Suy tim là tình trạng xảy ra khi trái tim không bơm đủ máu để cơ thể nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết. Nếu bạn ăn quá nhiều muối hoặc uống quá nhiều chất lỏng, lượng nước trong cơ thể tăng lên và khiến trái tim phải làm việc nhiều hơn.
Trong một số trường hợp, chất lỏng có thể tích tụ trong phổi, thận và các bộ phận khác của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng: cảm thấy mệt, khó thở, hụt hơi, đôi khi có phù ở chân, bàn chân và bụng.
Nếu bạn bị suy tim, một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn cảm thấy tốt nhất. Cần chủ động theo dõi sức khỏe của mình và thực hiện các thay đổi trong chế độ ăn và sinh hoạt hàng ngày.
Hạn chế sử dụng muối
Cố gắng ăn ít hơn 2.000mg natri mỗi ngày. Quá nhiều natri khiến cơ thể bạn phải giữ thêm nước. Điều này làm cho tim của bạn làm việc nhiều hơn gây gánh nặng cho tim.
Nếu bạn bị suy tim, bạn cần hạn chế tối đa muối. Cơ thể bạn cần một lượng natri thấp hơn để ổn định huyết áp và giảm gánh nặng cho tim. Hãy chọn lựa và chế biến thức ăn có ít hoặc không có muối càng tốt. Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, đồ ăn đóng hộp, nước sốt các loại. Không nên ăn nhiều món ngọt vì đường làm tăng nguy cơ bị phù nề, khiến ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tim.
Bạn cũng có thể cần hạn chế lượng chất lỏng đưa vào cơ thể hàng ngày. Chất lỏng bao gồm nước uống, nước trái cây hoặc nước trong các bữa ăn như canh, súp... Theo dõi cân nặng của mình vào cùng một thời điểm mỗi ngày trên cùng một chiếc cân. Nếu cân nặng của bạn thay đổi nhanh chóng (trên 1,5 kg trong một ngày), bạn có thể cần hạn chế nạp chất lỏng.
Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
Lập kế hoạch cho một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Nếu bạn thừa cân, hãy lên kế hoạch giảm cân từ từ, không quá 0,5-1kg mỗi tuần.
Chế độ ăn tốt cho tim mạch
Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, bao gồm các loại thực phẩm giàu omega-3 trong chế độ ăn hàng ngày. Khuyến nghị ít nhất 2 khẩu phần cá mỗi tuần. Các lựa chọn tốt bao gồm cá mòi, cá thu, cá hồi, cá trích,... giàu chất béo. Chúng có thể giúp giảm thiểu các biến chứng của suy tim.
Các nguồn chất béo omega-3 khác bao gồm hạt lanh, dầu hạt cải, đậu nành và quả óc chó. Nếu bạn không nhận đủ chất béo omega-3 từ chế độ ăn uống, hãy tham khảo bác sĩ của bạn hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc bổ sung omega-3 qua các loại thực phẩm bổ sung khác.
Nên ăn nhiều rau củ quả có chứa nhiều chất xơ, vitamin và các chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe tim mạch, làm giảm hấp thu cholesterol nên hạn chế hình thành mảng xơ vữa.
Tim hoạt động được là nhờ sự thay đổi điện thế khi natri và kali ra vào trong màng tế bào. Người bệnh suy tim khi bị phù hoặc ứ dịch sẽ cần sử dụng một số thuốc lợi tiểu thải kali khiến lượng kali giảm đáng kể. Vì thế nên ăn nhiều thực phẩm giàu kali như bông cải xanh, rau cải bó xôi, khoai lang, cần tây, các loại hoa quả như chuối, cam, bơ, dưa hấu...
Thay đổi lối sống
Khi bạn mắc bệnh suy tim, hãy chủ động thay đổi lối sống của mình để giúp cho trái tim của bạn không bị quá tải. Lối sống lành mạnh giúp giảm đáng kể các triệu chứng bệnh và ngăn chặn suy tim phát triển. Bạn có thể bắt đầu bằng những cách đơn giản như: bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu, giảm cân nếu bị thừa cân, tăng hoạt động thể chất như đi bộ, đi xe đạp. Cố gắng nghỉ ngơi nhiều và học cách giảm thiểu căng thẳng.