Điều trị mất ngủ sau Covid-19

21/04/2022 16:57

Covid-19 kéo dài gây nên nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người, mất ngủ chính là một ví dụ. Theo thống kê, trước đây có 24% tỷ lệ người bị mất ngủ, trong đại dịch bùng phát đã lên đến 40%.

Vậy điều trị mất ngủ sau Covid-19 như thế nào?

Triệu chứng và nguyên nhân của hội chứng mất ngủ sau Covid-19

Bệnh mất ngủ thường có biểu hiện khá rõ ràng như sau:

Thời gian ngủ giảm sút như: khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên thức giấc giữa đêm, thức dậy sớm hơn mong đợi và không ngủ lại được.

Chất lượng giấc ngủ giảm: sau khi ngủ dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, tinh thần không tỉnh táo.

Bệnh nhân F0 sau khi điều trị khỏi Covid-19 có thể gặp  nhiều vấn đề bất ổn trên các cơ quan trong cơ thể hay vấn đề về thần kinh đều có thể gây ra hội chứng mất ngủ sau Covid-19. Cụ thể như sau:

Điều trị mất ngủ sau Covid-19 - 1

Biến chứng ho, khó thở kéo dài do Covid-19 tấn công trực tiếp vào hệ hô hấp nên phổi vẫn còn bị tổn thương sau khi hết bệnh, làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động quá mức để chống lại sự xâm nhập của Covid-19, từ đó làm ảnh hưởng đến các cơ quan như thận, gan, tim.... khiến bệnh nhân bị hồi hộp, tim đập nhanh, biểu hiện trên da bị phát ban, nổi mày đay... Khi ảnh hưởng đến tế bào thần kinh gây rối loạn giấc ngủ, đau đầu...

Do tâm lý căng thẳng, sợ hãi của người bệnh khi phải cách ly chữa bệnh một mình, lo lắng, stress do sợ lây cho người khác khi còn dương tính, sợ chết, áp lực về tiền bạc, gia đình sau khi khỏi bệnh, hay đau buồn, mất mát do mất người thân... từ đó làm gia tăng tình trạng mất ngủ.

Ngoài ra, các loại thuốc điều trị biến chứng do Covid-19 cũng có thể là nguyên nhân gây ra mất ngủ do tác dụng phụ của thuốc điều trị. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc ngủ với tần suất liên tục gây nghiện thuốc dẫn đến mất ngủ trầm trọng thêm.

Các ảnh hưởng của hội chứng mất ngủ sau Covid-19

Mất ngủ gây ảnh hưởng đến các hoạt động vào ban ngày như: khó tập trung, cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ ban ngày... Việc này làm gia tăng các vụ tai nạn, té ngã, giảm hiệu suất lao động công việc đáng kể.

Mất ngủ tạo ra vòng tuần hoàn ác tính gây ra ảnh hưởng xấu ngược lại lên các cơ quan trên cơ thể như:

Gia tăng các bệnh về tim mạch: Rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp.

Làm trầm trọng thêm việc suy yếu hệ miễn dịch, dẫn đến cơ thể dễ nhiễm bệnh hơn.

Làm rối loạn sự chuyển hóa trong cơ thể tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường.

Tăng nguy cơ sinh non hay thai nhi nhẹ cân khi sinh ra ở phụ nữ mang thai.

Điều trị mất ngủ sau Covid-19 như thế nào?

Điều trị mất ngủ sau Covid-19 bằng các phương pháp không dùng thuốc

Bạn có thể trị mất ngủ sau Covid-19 bằng cách xây dựng thói quen hằng ngày lành mạnh hay thư giãn nhẹ trước khi ngủ như:

Tránh sử dụng các chất kích thích trước khi đi ngủ như cafe, trà (6h -8h trước khi ngủ, hay thuốc lá, vì chúng sẽ khiến thần kinh của bạn hưng phấn.)

Việc uống rượu bia trước giờ ngủ chỉ "hạ gục" bạn, chứ không mang lại giấc ngủ tự nhiên, bạn sẽ bị thức giấc nhiều lần trong đêm (đôi khi không tự nhận ra được) nên hãy tránh xa chúng.

Tránh xem laptop, điện thoại, tivi … trong vòng 1 giờ trước khi ngủ, vì ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Tránh ăn no hay quá no trước khi đi ngủ, nếu bạn lỡ ăn quá no cũng chỉ nên vận động nhẹ nhàng, không nên vận động quá mạnh trước khi ngủ.

Nếu bạn có khả năng bị tiểu đêm thì không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ, tránh việc tiểu đêm gây mất giấc ngủ.

Bạn có thể nghe "tiếng ồn trắng" (white noise) hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng trước giờ ngủ, nó sẽ giúp bạn thư giãn tinh thần.

Một căn phòng yên tĩnh, nhiệt độ thích hợp kết hợp với nệm gối thoải mái cũng sẽ gia tăng chất lượng chất ngủ của bạn.

Hãy tập cho mình thói quen thức dậy vào cùng một thời điểm vào buổi sáng, nó sẽ giúp ổn định đồng hồ sinh học của cơ thể bạn.

Việc ngủ quá nhiều vào ban ngày cũng có thể gây ra tình trạng ngủ ban đêm, hãy tránh ngủ trưa quá nhiều (ngủ khoảng 20-30 phút vào buổi trưa là đủ) hay không ngủ bù cho dù đêm hôm trước mất ngủ sẽ giúp bạn ổn định lại đồng hồ sinh học.

Khi nằm trên giường quá 20 phút mà bạn vẫn không thể ngủ được, bạn nên ra khỏi giường, sau đó làm việc nhẹ nhàng trong ánh sáng êm dịu (nghe nhạc, làm việc nhà, tập thiền, hít thở, viết ra những suy nghĩ trong đầu, thậm chí có thể viết nguệch ngoạc trong bóng tối mà không cần đọc lại). Sau khi thấy buồn ngủ hãy lên giường và thử ngủ lại, bạn có thể lặp lại quá trình này nhiều lần cho đến khi ngủ được.

Bạn có thể tìm đến bác sĩ để điều trị mất ngủ sau Covid-19 khi bạn quá căng thẳng, lo âu, buồn bã. Bởi mất ngủ gây ảnh hưởng đến tâm lý, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để được giao tiếp, tư vấn, giải thích và hiểu rõ về các triệu chứng Covid-19, các biện pháp, cách đối mặt và khắc phục ảnh hưởng của Covid-19.

Covid-19 tấn công vào cơ thể khiến các mô tổn thương trầm trọng gây nên những hệ lụy như mắc hội chứng mất ngủ sau Covid-19. Do đó việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ rất quan trọng cho việc hồi phục của cơ thể. Khi có một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng với rau củ quả, trái cây tươi, thịt ít chế biến sẽ cung cấp chất xơ, protein, tinh bột và vitamin sẽ giúp cơ thể phục hồi tối đa các mô bị tổn thương.

Khi khỏi bệnh bạn nên bắt đầu chế độ ăn sau Covid-19 bằng việc chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Nhớ uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày hoặc có thể nhiều hơn, nếu trong quá trình bệnh bạn đã mất khá nhiều nước. Ngoài nước lọc bạn có thể uống thêm nước trái cây để bổ sung thêm vitamin cho cơ thể.

Nếu bạn không thể tự điều trị mất ngủ bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt thì bạn có thể tìm đến một số loại thực phẩm chức năng hay thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, nếu bạn không rõ cách sử dụng có thể nói cho bác sĩ, dược sĩ về tình trạng bị mất ngủ để được tư vấn sử dụng thuốc đúng cách.

Điều trị mất ngủ sau Covid-19 bằng thuốc

Một số gợi ý dùng thuốc để điều trị mất ngủ sau Covid-19 cho bạn như sau:

Bạn có thể sử dụng một số thảo dược có thành phần gây ngủ, an thần như liên tâm ( tâm sen), bình vôi, lạc tiên... vì có nguồn gốc từ thiên nhiên nên chúng ít gây ra tác dụng phụ.

Bạn có thể dùng thuốc Melatonin là hormone của giấc ngủ. Thuốc thường được dùng cho bệnh nhân trong điều trị mất ngủ sau Covid-19 kèm theo rối loạn nhịp sinh học (ngủ dậy quá sớm, quá muộn, bị lệch múi giờ…). Thuốc có tác dụng tốt trong trường hợp bạn có thói quen ngủ quá trễ và cần điều chỉnh giờ để đi ngủ sớm hơn. Lưu ý rằng, thuốc có thể mang đến một số tác dụng phụ như đau đầu, khó chịu ở dạ dày… Tuy nhiên, những triệu chứng này rất ít, không đáng kể.

Khi bạn bị mất ngủ kèm với ngứa, viêm mũi dị ứng có thể sử dụng thuốc chống dị ứng thế hệ 1. Ngáy ngủ có thể coi là một tác dụng phụ đối với trường hợp bình thường nhưng nó sẽ có ích cho bạn lúc này. Tuy nhiên, thuốc có thể gây tác dụng phụ khác như khô miệng, chóng mặt…

Ngoài ra, khi sử dụng thuốc để trị mất ngủ sau Covid-19 bạn cần chú ý những vấn đề sau đây:

Cần kết hợp điều trị triệu chứng sau Covid-19 khác khi điều mất ngủ sau Covid-19.

Việc dùng thuốc không đúng bệnh sẽ không mang lại hiệu quả điều trị mà còn khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, mỗi trường hợp mắc hội chứng mất ngủ sau covid lại có cách điều trị khác nhau. Vì vậy không được tự ý dùng thuốc nếu không có sự tư vấn từ các bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn.

Không tự ý dùng thuốc an thần để trị mất ngủ sau Covid-19, vì thuốc này có thể gây "nhờn thuốc", gây nghiện nếu không được sử dụng đúng cách.

Mất ngủ là một tình trạng nhiều người mắc phải sau khi điều trị khỏi Covid-19. Việc điều trị mất ngủ có thể áp dụng bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt, dinh dưỡng và bằng thuốc. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và nhận được sự tư vấn của bác sĩ.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/dieu-tri-mat-ngu-sau-covid19-20220421105522772.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/suc-khoe/dieu-tri-mat-ngu-sau-covid19-20220421105522772.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điều trị mất ngủ sau Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO