Điều trị bệnh đậu mùa khỉ thế nào?

Thùy Linh| 30/07/2022 16:28

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi bệnh nhân gặp các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ như giảm thị lực; Giảm ý thức, hôn mê, co giật; Suy hô hấp; Chảy máu, giảm số lượng nước tiểu; Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn thì cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị.

Điều trị bệnh đậu mùa khỉ thế nào?
Nốt phỏng biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ.

Tại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người ban hành ngày 29.7, Bộ Y tế đã hướng dẫn điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ/ xác định; Điều trị triệu chứng là chủ yếu; Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý;

Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch,...) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam.

Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.

Với thể nhẹ chủ yếu điều trị triệu chứng như:

- Hạ sốt, giảm đau.

- Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng.

- Bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải.

- Cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có: viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức.

- Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.

Thể nặng: Cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã an hành

Thuốc điều trị đặc hiệu được chỉ định những trường hợp như:

+ Người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não...).

+ Người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao...).

+ Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi.

+ Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

+ Những người đang có bệnh cấp tính tiến triển.

- Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng phân tuyến điều trị theo thể bệnh.

Theo đó, tại y tế xã/phường, quận/huyện sẽ điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh.

Tuyến tỉnh, trung ương sẽ tiếp nhận ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai), ca bệnh có biến chứng nặng.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị:

Giảm thị lực.

Giảm ý thức, hôn mê, co giật.

Suy hô hấp.

Chảy máu, giảm số lượng nước tiểu.

Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.

Tiêu chuẩn xuất viện:  

- Người bệnh cách ly tối thiểu 14 ngày và

- Người bệnh hết các triệu chứng về lâm sàng (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các tổn thương cũ đã đóng vảy).

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điều trị bệnh đậu mùa khỉ thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO