Sau thông tin phản ánh về tình trạng phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa, ngày 25/11, bà Nguyễn Thị Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã trực tiếp vào hiện trường kiểm tra vụ chặt phá rừng.
Tham gia đoàn kiểm tra còn có lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa, Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa (đơn vị chủ rừng), lãnh đạo xã Hướng Sơn, công an xã…
Tại tiểu khu 645 thuộc khu vực quản lý nghiêm ngặt của Khu BTTN, đoàn phát hiện nhiều cây gỗ bị đốn hạ, cưa xẻ thành phách, một số cây còn nguyên cành, nhánh...
Chứng kiến tận mắt số cây gỗ tự nhiên bị đốn hạ, ông Hà Văn Hoan - Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa thừa nhận, thông tin phản ánh về tình trạng phá rừng là đúng thực tế.
Theo ông Hoan, trong thời gian xảy ra mưa lũ, việc đi lại bị chia cắt. Lợi dụng thời điểm này, một số đối tượng vào rừng để chặt hạ gỗ thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị. Sau khi nắm bắt vụ việc, đơn vị đã phối hợp với Hạt kiểm lâm tổ chức tuần tra hiện trường. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có một số cây gỗ bị chặt hạ, cưa xẻ.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa cho biết, đơn vị quản lý 5 tiểu khu với gần 5.000 ha rừng. Quá trình bảo vệ rừng gặp không ít khó khăn khi mỗi trạm chỉ có 4 cán bộ phải dựng lán tại rừng, thay phiên nhau canh gác, bảo vệ. Mùa mưa lũ, cán bộ phải rút ra khỏi rừng vì nước dâng cao, nguy hiểm.
Ông Bùi Văn Duẩn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết, với vụ chặt phá rừng xảy ra tại Tiểu khu 645 thuộc khu vực quản lý của Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, hiện Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với công an huyện, công an xã và Khu bảo tồn kiểm tra, đo đếm cụ thể số lượng, khối lượng gỗ để xác định hành vi phá rừng.
Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm phối hợp với Khu bảo tồn kiểm đếm sơ bộ số lượng, bước đầu ghi nhận 36 cây bị chặt hạ, thuộc nhóm III đến nhóm VI.
"Theo quy định của pháp luật, người khai thác trái phép rừng đặc dụng thuộc Khu BTTN sẽ bị xử lý hình sự chứ không xử lý hành chính. Tuy nhiên, cần xem xét mức độ phá rừng như thế nào để có cơ sở xử lý", ông Duẩn nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương cho biết, liên quan đến vụ phá rừng tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, Sở NN&PTNT đã nhận báo cáo vụ việc ngày 26/10. Sau đó, Sở đã kịp thời chỉ đạo Ban quản lý Khu BTTN và Chi cục Kiểm lâm, huyện Hướng Hóa thành lập đoàn kiểm tra sâu trong rừng để xác định tính chất, mức độ của vụ việc, xác định các nguyên nhân dẫn đến vụ vi phạm.
Sau khi kiểm tra hiện trường vụ khai thác rừng trái phép, lực lượng nhận định nguyên nhân khách quan, do mưa, lũ nên lực lượng bảo vệ rừng phải rút ra ngoài. Một số đối tượng lợi dụng bối cảnh này vào rừng cưa hạ cây gỗ tại một số vị trí dọc khe suối.
"Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng để xác định các đối tượng khai thác rừng trái phép, tổ chức điều tra ký cam kết, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân liên quan", bà Phương nói.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, thời gian tới sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân trong vùng đệm khu BTTN Bắc Hướng Hóa nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng. Sở cũng kiến nghị đưa người dân các địa phương vào trong nhóm hưởng chính sách giao khoán bảo vệ rừng khu vực 2 và 3 trong thời gian tới.
Ngày 24/11, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký văn bản gửi Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa yêu cầu kiểm tra, xử lý vụ việc rừng ở khu bảo tồn bị chặt phá.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT Quảng Trị phối hợp với Sở, ngành và chủ rừng khẩn trương kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 30/11.
Đăng Đức