Vừa qua, một số trang báo và mạng xã hội đưa tin về việc san hô tại Hòn Sẹo (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị chết hàng loạt khiến hệ sinh thái biển nơi này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đáng nói, nguyên nhân san hô chết được cho là có một nhóm người từ địa phương khác đến lén lút khai thác trộm vào ban đêm.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 9/4, ông Nguyễn Thành Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý - cho hay ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo TP Quy Nhơn đã chỉ đạo UBND xã phối hợp ngành chức năng tiến hành làm rõ các nội dung liên quan, đặc biệt là việc có hay không tình trạng khai thác trái phép khiến san hô chết hàng loạt?
"Hiện nay, do tình hình biển động nên địa phương chưa thể tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế san hô tại khu vực Hòn Sẹo được nên chưa biết được san hô có bị chết hàng loạt hay không? Qua xác minh các video, hình ảnh trên báo chí và mạng xã hội cũng chưa thể khẳng định thuộc khu vực Hòn Sẹo hay ở một nơi khác", ông Danh nói.
Về thông tin có một nhóm người từ địa phương khác đến bẻ trộm san hô trái phép, theo ông Nguyễn Thành Danh, từ năm 2021 đến nay, địa phương chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào từ người dân về vấn đề này.
Đặc biệt, các thành viên trong tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý và lực lượng biên phòng ở địa phương cũng chưa phát hiện đối tượng hoạt động khai thác san hô trái phép tại khu vực Hòn Sẹo nói riêng, toàn khu vực biển thuộc xã Nhơn Lý nói chung trong thời gian qua.
"Địa phương luôn tuyên truyền, vận động nhân dân phải có trách nhiệm bảo vệ rạn san hô, vì đây là tài nguyên quý giá. Người dân rất có trách nhiệm bảo vệ vì đó cũng như "nồi cơm" của họ", ông Danh nói.
Ông Nguyễn Phi Long - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết, đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp UBND TP Quy Nhơn cùng với Tổ cộng đồng đánh giá nguyên nhân san hô chết xác định san hô chết do biến đổi khí hậu hay vấn đề khác.
Theo báo cáo nghiên cứu đa dạng sinh học vịnh Quy Nhơn của Viện Hải dương học (tại Nha Trang) vào năm 2017, diện tích rạn san hô khu vực xã Nhơn Lý trên 24 ha; trong đó, phân bố xung quanh Hòn Sẹo trên 10 ha; còn lại thuộc ven bờ khu vực Eo Gió kéo dài đến mũi Còng Cọc và Bãi Dứa. Độ phủ san hô cứng tại khu vực Hòn Sẹo đạt 63%; thành phần chủ yếu của san hô cứng dạng phiến và khối.