Năm 2017, khi huấn luyện viên Park Hang-seo đến Việt Nam, đúng thời điểm Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành sơ kết 4 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Chiến lược được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2013). Trong giai đoạn từ 2012-2020, một số mục tiêu chính được đề ra là: tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam phấn đấu đoạt ngôi vô địch AFF Cup hoặc SEA Games (từ 1-2 lần), bóng đá nam đứng trong Top 15 Châu Á.
Từ 2012-2017 được xem là giai đoạn “khủng hoảng” của bóng đá Việt Nam ở sân chơi Đông Nam Á. Chúng ta thất bại liên tiếp ở các kỳ AFF Cup 2012, 2014, 2016, SEA Games 2013, 2015, 2017. Đáng chú ý là những lần bị loại từ vòng bảng AFF Cup 2012, SEA Games 2013 và 2017. Thế nên, những người lạc quan nhất thời điểm đó cũng không có niềm tin rằng chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu giai đoạn 1. Còn với huấn luyện viên Park Hang-seo, ông bắt đầu công việc từ một người đã bị cho là hết thời và hoài nghi về khả năng thành công với bóng đá Việt Nam.
Nhưng ông lại gặp thời và giúp bóng đá Việt Nam hoàn thành được những mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển bóng đá nói trên. Sau 5 năm làm việc với bóng đá Việt Nam, ông Park giành được danh hiệu: Á quân U23 Châu Á 2018; vô địch AFF Cup 2018; hạng 4 ASIAD 2018; tứ kết Asian Cup 2019; lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022; Huy chương vàng SEA Games 2019 và 2021; và cột mốc Top 100 FIFA đã tồn tại từ ngày 29.11.2018... Đó cũng là mục tiêu mà ông Park đã mạnh dạn tuyên bố khi ra mắt bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, trong thành công đó, là cũng có dấu ấn của cả nền bóng đá. Đặc biệt là một thế hệ cầu thủ đến độ chín.
Ngày 17.10.2022, VFF thông báo chính thức sẽ không gia hạn hợp đồng với huấn luyện viên Park Hang-seo. Nhiều người tiếc nuối bởi những thành công ông Park mang lại cho bóng đá Việt Nam là một “tài sản lớn”. Sự hoài nghi lúc này lại xuất hiện với câu hỏi: Người kế nhiệm liệu có thể thành công một phần như thế?
Với những người theo dõi bóng đá Việt Nam lâu năm, cuộc chia tay này không bất ngờ. Đó là một sự thay đổi để bóng đá Việt Nam có những điều mới mẻ. Như người đại diện của huấn luyện viên Park Hang-seo chia sẻ, sở dĩ ông chọn công bố thông tin hợp đồng thời điểm này vì không muốn cầu thủ phân tâm ở kỳ AFF Cup sắp tới. Bên cạnh đó, VFF cũng sẽ chủ động tìm kiếm người thay thế phù hợp. Như nhiều chuyên gia bóng đá khái quát: Một chương mới của bóng đá Việt Nam sẽ được mở ra.
Trong “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ở giai đoạn 2 (2021 – 2030), mục tiêu chính là: Bóng đá nam đứng trong Top 10 Châu Á. Đây cũng là giai đoạn mà VFF đã đề ra mục tiêu giành vé dự World Cup vào năm 2026, khi số đội tăng từ 32 lên 48.
Theo bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, tuyển Việt Nam xếp thứ 96 thế giới và 17 ở Châu Á. Khoảng cách với top 10 không quá xa. Nhưng để chạm đến mục tiêu này, tuyển Việt Nam cần có thành tích ở sân chơi châu lục.
Việc lựa chọn huấn luyện viên đội tuyển quốc gia phù hợp, có tầm để hoàn thành mục tiêu này cũng là vấn đề được tính tới. Để giành vé World Cup, chúng ta ít nhất phải ở nhóm 8 đội mạnh nhất Châu Á.
Vào ngày 6.11 tới, VFF sẽ tiến hành đại hội khoá 9 (2022-2026). Một bộ máy lãnh đạo mới sẽ ra mắt cùng với các nghị quyết mang tính chiến lược cho bóng đá Việt Nam. Điều đó phần nào sẽ quyết định đến tiêu chí của người kế nhiệm ông Park. Bởi mục tiêu với bóng đá Việt Nam không chỉ là vươn tầm mà còn làm thế sao để phát triển bền vững.
Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, một cá nhân không thể làm nên thành công của cả nền bóng đá. VFF vẫn sẽ là nhân tố chính.