Điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như thế nào?

26/06/2021 07:37

Bạn đọc Nguyễn Văn Thanh ở xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, hỏi: Điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 152 Bộ luật Lao động, điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như sau:

1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động. Ảnh minh họa: TTXVN.

2. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

* Bạn đọc Vũ Đức Chính ở phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hành vi vi phạm quy định về khai quật khảo cổ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh bị xử phạt ra sao?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 24 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thăm dò, khai quật khảo cổ không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

b) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh không đúng nội dung quy hoạch, dự án và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thăm dò, khai quật khảo cổ không có giấy phép;

b) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh mà không có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đào bới, trục vớt trái phép tại các địa điểm khảo cổ.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và hành vi đào bới trái phép tại các địa điểm khảo cổ quy định tại khoản 3 điều này.

QĐND

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO